Những cơn mưa tháng bảy nặng hạt chợt đến, chợt đi không khỏi làm ta bồi hồi sao xuyến, bất chợt nghe trên đài phát sóng bài hát “Vết chân tròn trên cát” của Nhạc sĩ Trần Tiến làm lòng tôi không khỏi bồi hồi, xúc động. Tôi nhớ đến ông, người đã để lại một phần cơ thể ở chiến trường.
Tôi nhớ trong một lần về thăm quê ngoại tôi đã rất tò mò và có phần sợ hãi khi nhìn thấy chiếc chân giả cùng với cái chân cắt cụt ngủn của ông. Dưới cái gấu quần đã sờn và có phần rách tua rua tôi nghĩ ông cố tình để cái ống quần dài thế với mục đích để che đi cái chân giả của mình. Ngây ngô tôi hỏi ông “Sao ông phải đeo cái thứ kì cục ấy vào người vậy?”. Thoáng thấy ông lúng túng, Mẹ tôi nhắc ngay: “Con không được nói với ông như thế? Con xin lỗi ông đi…?”
Ngăn đi sự sợ hãi của tôi, ông vui vẻ kéo tôi lại và ôn tồn nói: “Cháu biết không, ông bị cụt chân là do ngày xưa ông đi lính bom đạn của kẻ thù đã làm ông bị thương đó”. Tôi vẫn chưa hiểu hết thế nào là ác liệt của bom đạn, nhưng chỉ tỏ vẻ xuýt xoa “Chắc ông phải đau lắm nhỉ? Để cháu thổi cho ông nhé!”. Ông xoa đầu tôi rồi nhẹ nhàng tháo bỏ chiếc chân giả ra khỏi, chỉ cho tôi chỗ ông phải cắt cụt, chân ông bị cắt tới trên đầu gối, chỗ cắt cụt nay đã thành hình mới, thay vì là bàn chân với những ngón chân thì nay chỉ tròn xoe và bóng nhẵn. Xung quanh cái chân bị cắt cụt là những vết chai hằn vì những sợi dây dù để buộc cố định giữa chân giả và phần chân thật còn lại. Tôi thử cầm cái chân giả của ông lên và ôi chao nó nặng hơn tôi tưởng, làm sao ông có thể di chuyển khéo léo như một cái chân bình thường thế nhỉ. Như hiểu được ý của tôi, ông kể “Ban đầu để làm quen với nó (cái chân giả) ông đã vất vả, nhưng rồi ông cố gắng tập luyện thường xuyên nên bây giờ rất thoải mái và linh hoạt đấy. Cũng giống như trong cuộc sống, nếu cháu gặp điều gì khó khăn đừng vội nản mà hãy cố gắng thực hiện từng bước một cháu gái nhé!”.
Ông tôi với chiếc chân giả vẫn đi ra đồng cắt lúa. Bất ngờ nhất với tôi là ông vẫn đi được xe máy. Tôi không khỏi ngạc nhiên và thán phục khi nhìn ông với cái chân giả tròn xoe có thể đạp số thoăn thoát và điệu nghệ, cứ thế ông đã đưa tôi khi khắp thôn xóm để thăm thú cảnh đẹp của làng quê. Cùng từ đó tôi chẳng còn thấy sợ với những cái chân giả, những người khuyết tật mà tôi bắt gặp trên đường. Có lẽ với tôi, chiếc chân giả và nghị lực vươn lên của ông đã truyền nhiều cảm hứng cho tôi. Tôi thấy tự hào về ông và đến bây giờ những lời dặn dò, câu chuyện kể của ông về cuộc chiến tranh, những hy sinh mất mát của bao thế hệ để bảo vệ hòa bình cho đất nước vẫn là hành trang theo tôi trong cuộc sống và cả tương lai sau này.
Nguyễn Lê Khanh
Trại sinh Hương Rừng năm 2022
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0