Tết Thanh Minh dù không phải là ngày lễ Tết lớn trong năm nhưng lại mang đậm nét đẹp văn hóa của người Việt Nam, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Vào ngày này, những người con xa quê đều sắp xếp về tảo mộ tổ tiên, tỏ lòng thành kính, hiếu thuận của mình với những người đã khuất.
Theo quan niệm của nhiều nước phương Đông, Tết Thanh Minh là 1 trong 24 tiết khí của một năm, là tiết khí thứ 5. Ngày đầu tiên của tiết Thanh minh đến sau ngày Lập xuân 60 ngày và kéo dài gần 20 ngày. Ở miền Bắc, đây là thời điểm đã hết mưa phùn, nồm ẩm, thời tiết trở nên trong sáng, dễ chịu. Thanh là khí trong, minh là sáng sủa. Thanh minh tức là chỉ thời điểm khí trời mát mẻ, quang đãng.
Tái hiện Lễ cúng cầu mưa của dân tộc Nùng tại Tết Thanh Minh năm 2023 xã Cư A Mung, huyện Ea Hleo.
Tết Thanh Minh có nguồn gốc bắt nguồn từ Trung Quốc diễn ra vào thời điểm Xuân Thu hằng năm. Truyền thuyết kể lại rằng, lúc ấy vua Tấn Văn Công gặp loạn lạc và phải bỏ nước lưu vong khắp nơi. Trong thời gian này, ông được vị hiền sĩ Giới Tử Thôi hộ tống và hiến kế để trốn nạn, họ đã cùng nhau trải qua nhiều hiểm nguy và gian truân. Dù thế nào vị hiền sĩ đều dốc lòng bảo vệ vua, có một lần cắt cả phần thịt ở chân mình để cứu vua khỏi chết đói. Giới Tử Thôi đã phò tá Tấn Văn Công trong suốt 19 năm. Mặc dù mang lòng cảm kích nhớ ơn người hiền sĩ này nhưng khi đã giành lại được ngôi báu, trở lại làm vua nước Tấn, ông lại quên mất người đã giúp mình năm xưa.
Tuy nhiên, Giới Tử Thôi cũng không đem lòng oán hận Vua mà nghĩ rằng đó là nghĩa vụ của mình, sau đó cùng mẹ rút về trên núi Điền Sơn ở ẩn và mặc kệ đồ vật ban thưởng của nhà vua sau đó ít lâu.
Thấy vậy, trong lúc tức giận nhà Vua đã vô tình đốt cháy cả khu rừng khiến hai mẹ con Giới Tử Thôi chết cháy. Vua cảm thấy thương xót và ân hận với lỗi lầm của mình, ông đã cho lập miếu thờ Giới Tử Thôi, ban lệnh cả nước phải kiêng đốt lửa, chỉ ăn đồ nguội trong 3 ngày. Từ đó ngày 3/3 âm lịch hằng năm được vua lấy làm ngày Tết Thanh Minh (nay còn gọi là tết Hàn Thực) để tưởng nhớ sự hy sinh của người đã khuất.
Ngoài tục Hàn Thực, vào những ngày đầu năm tháng 3 còn có Hội Đạp Thanh hay còn gọi là hội giẫm cỏ, cũng có nguồn gốc từ Trung Quốc. Trong dịp này, nam nữ sắm sửa cho mình áo quần thật đẹp để cùng đi chơi xuân. Đến nay, ở Việt Nam không còn lưu truyền lễ hội này nữa nhưng chúng ta vẫn có thể biết và nhớ đến lễ hội này qua đoạn thơ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du:
"Thanh minh trong tiết tháng ba,
Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh,
Gần xa nô nức yến anh,
Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân,
Dập dìu tài tử giai nhân,
Ngựa xe như nước áo quần như nêm"
Thanh minh tuy không phải là cái tết lớn, nhưng lại gắn liền với đạo đức, bổn phận con người Việt Nam. Bổn phận của con cháu nhớ tới công lao tổ tiên, những người đi trước. Đây chính là ngày để mọi người có thể báo hiếu, đền đáp ơn sinh thành, tạo dựng của tổ tiên.
Vào ngày Tết Thanh minh, người dân thường đi tảo mộ ông bà, tổ tiên, thể hiện lòng thành kính và biết ơn các thế hệ trước. Ngoài ra, Tết Thanh minh cũng là dịp để gia đình sum họp, quây quần bên nhau, thưởng thức những bữa cơm đoàn viên.
Thuý An
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0