Tác phẩm đạt giải Khuyến khích cuộc thi sáng tác văn xuôi chủ đề "Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk - Những chặng đường phát triển" năm 2023.
Ảnh minh hoạ (NSNA Tôn Thất Tuấn Ninh)
“Ai, kẻ nào, là kẻ nào đã đánh thức ta?”
Lần nào bị đánh thức ta đều tự hỏi mình đã ngủ yên bao lâu, điều gì đã xảy ra trên cao nguyên, cánh rừng của ta, đất đai của ta và người đàn bà của ta.
“Giàng ơi
Thức dậy đi vị thần của núi
Dòng suối reo ca
Thức dậy đi vị thần của rừng
Người và muôn thú một nhà”.
Người tù trưởng giỏi nhất cao nguyên đã thổi vào ta linh hồn bất tử.
Trong nỗi đau mất vợ, ngọn lửa bùng lên, cháy bảy ngày bảy đêm, củi lấy từ gỗ rừng cha, đất từ đáy sông mẹ, nước từ thác Đray Sáp. Người tù trưởng cầm con dao sắc lẹm, miết nhẹ bàn tay trắng hồng mùi hơi sữa đứa con gái nhỏ, những giọt máu đào ngọt ngào lót thót rơi xuống dòng thác sục sôi, óng vàng dữ dội. Đôi mắt ông vằn đỏ những tia máu, ông gọi tên các vị thần, gọi tên muôn thú, gọi tên những cánh rừng, những ngọn núi, con sông và tổ tiên tộc mình.
“Hãy bảo vệ con ta”.
Đêm. Lửa bập bùng đâm những ngọn sắc nhọn vào bóng tối. Loài người cất tiếng hò reo, giọng ta ngân lên, nghe như tiếng suối chảy, nghe như tiếng gió reo, âm thanh khi ngân nga sâu lắng, khi thôi thúc trầm hùng, bay từ cánh rừng này sang cánh rừng khác, từ ngọn núi thấp lên ngọn núi cao, đất chồi lên mơn mởn những mầm. Họ cúi rạp, tôn thờ ta. Họ nhảy múa, những điệu nhảy nguyên sơ từ hồi đẻ đất, đẻ nước, nhảy từ khi trăng lên đến khi mặt trời đỏ ửng, từ khi ngọn lửa mới nhen đến tro tàn nguội lạnh. Loài người dường như chỉ biết hát ca và nhảy múa. Trong tiềm thức của họ ta vô hình và có hình.
Ta chẳng bao giờ chết. Sức mạnh bất biến giữa đời vạn biến. Ta ban chúng cho con người có sức lên rừng xuống biển, sức mạnh mũi tên săn thú, ngọn giáo đâm trâu, sức mạnh giữ buôn chống lại kẻ thù. Ta ban sức mạnh cho dòng suối thét gào, cho rừng thêm xanh, cho trẻ lớn nhanh. Ta là vị thần đuổi xua quỷ dữ. Loài người có ta đi cùng vòng sinh tử.
Mặt trời và mặt trăng.
Bỏng rát và dịu dàng.
Nàng lớn lên xinh đẹp, một vẻ đẹp thuần khiết, ban sơ, làn da nâu, tóc đen ửng nắng vàng, mắt sáng như trăng, nhìn đêm cũng như ban ngày, nàng dịu dàng, đàn ông liếc thôi đã say. Khi ngực nàng mới nhú, bao kẻ trong buôn thèm khát, khi ngực nàng căng tròn, cả cao nguyên rực lửa. Các dân tộc đã đến dưới chân cột nhà để cầu hôn, người J’rau thấy nàng “Khuôn ngực em cởi trần/Cả làng ta bốc cháy”, họ ví nàng như hoa Pơlang. Người M’nông ví nàng như hoa dưa tháng ba.
Ngày. Tháng. Năm.
Chỉ còn lại những trai tráng bảy họ Êmê, KSơt, Jđrơng, Eban, Lơô, Eman, Niê của người Ê đê, những trai tráng mười họ Rchom, Ksor, Siu, Rơô, Ramal, Nay, Hiêu, Kpa, Pui của người Gia Rai. Họ đã đến buôn và ở đây từ mùa tỉa bắp năm trước, họ quây quần bên những đống lửa hát ca và săn bắn.
Người Gia Rai nói hãy lấy họ, nàng sẽ là chủ gia đình, chủ của buôn làng.
Người Ê đê nói hãy lấy họ, nàng sẽ như nữ thần mặt trời trên đỉnh Chư Yang Sin.
Ngày. Tháng. Năm.
Chỉ còn lại một chàng trai Ê đê si tình ngày ngày gieo lời hát bên đống lửa le lói đêm hoang.
“Củ nghệ vàng em tắm lúc chiều hôm/ Đêm nằm anh càng thương càng nhớ/ Anh lấy nước ăn trầu/ vẽ lên triền núi đen/ Bầy chuồn chuồn màu đỏ mây chiều/ Đàn bươm bướm màu sương buổi sáng”.
Lời chàng nỉ non, lặp đi lặp lại, len vào ô cửa phía nàng nằm, ngấm như mưa thấm đất, ngực phập phùng thổn thức. Một đêm cha đi săn, nàng lén đem theo ta ra ngoài gặp chàng trai, hỏi rằng: “Bầy chuồn chuồn màu đỏ ở đâu, đàn bươm bướm màu sương ở đâu, cánh rừng em không thấy”. Đáp rằng: “Bên dòng suối Ea Nuôi, nơi có những bản làng người Ê đê ngày đêm ca hát”.
“Đi với em”.
“Đi đâu”. Chàng trai bỡ ngỡ.
Nàng kéo tay chàng trai băng qua rừng, qua suối, họ đến một bãi cỏ rộng dưới bóng một cây Kơ tia cổ thụ
“Đây là nơi thần thánh ở”
“Vâng thần thánh, em thích nhảy trước họ”. Nàng vốn là người múa Xoang đẹp nhất. Đêm nào lễ hội, nàng cũng cháy hết mình cùng điệu nhạc của ta. Chẳng cô gái nào làm được thế.
Be miệng cười khúc khích, nàng dúi ta vào tay chàng trai. “Đánh đi, đánh theo điệu nhảy của em”. Chàng trai sung sướng, chẳng buồn định thần lại những điều diễn ra trước mắt, chàng bắt đầu vỗ tay vào núm như một kẻ bị mê hoặc. Những thanh âm dzu dzu phát ra khe khẽ, mỗi lần vỗ là một cánh tay ta vươn ra ôm lấy thân hình nàng uyển chuyển đưa đẩy theo nhịp chân, nhịp tay. Vũ trụ đung đưa, ngả ngiêng như một kẻ say phả hơi men xuống nhân gian.
Chúng ta hoà vào một, nàng nhún nhảy xung quanh người thanh niên, lúc sau, chàng trai cũng nhảy, cả ba tan vào đêm cao nguyên đầy gió. Bồng bềnh và say sưa.
Khi đã thấm mệt, hai người hổn hển ngồi bên gốc cây.
“Chàng hãy nói gì với em trước họ”.
“Tôi, tôi muốn cưới em làm vợ”.
Dưới sự chứng kiến của thánh thần, hai sinh thể cuốn lấy nhau, vạt cỏ tả tơi, hơi thở nồng nàn mùi hơi đất đỏ phả vào da thịt. Bầu trời lung linh, những ngôi sao băng ảo diệu vụt sáng vun vút, bàn tay nàng bấu chặt vào đất, nín thở đợi chờ con rắn đang lần mò giữa hai chân, cơ thể nàng mê mị, vừa nóng vừa tưng tức. Trong tiềm thức hiện lên hình ảnh cha đưa nàng sát lò nung, hơi lửa hầm hầm, một vết cắt đau, một nhát đâm ngọt ngào, máu ứa ra, dòng kí ức xa xưa dội về. Con rắn đã thôi miên được nàng. Vũ trụ bao la biến mất.
“Chàng hãy trở về, đừng chờ ta nữa, đừng chờ nữa, về đi”. Nàng vội vã chạy khi chân trời ửng lên màu mỡ.
Chẳng ai chạm vào ta, nhưng mặt đất rung lên. Cánh cửa bung ra, Nàng tả tơi trở về áp mặt vào ta thút thít khóc. Nàng vừa sống một khoảng khắc do mình quyết định trước khi bị gả đi. Cơ thể nàng, da thịt nàng dính chặt thứ mồ hôi đang rỉ ra trong ta, chao ôi, nàng đã trở thành đàn bà. Ta rung lên bần bật. Nàng giật mình sợ hãi.
Ngày cưới nàng, người người tới đông như hội, cha chỉ muốn gả nàng cho tộc người Ba Na của mình. Trước dân làng và khách khứa, người tù trưởng già xách lấy ta dõng dạc:
“Hãy đánh lên, mừng cho ngày vui con ta, đánh cho đôi vợ chồng đẻ nhiều con cái, cho ngô sắn đủ đầy. Hãy đánh những chiêng âm thanh nhất, những chiêng kêu trầm nhất. Đánh nhè nhẹ cho gió đưa xuống đất. Đánh cho tiếng chiêng vang xa khắp xứ. Đánh cho tiếng chiêng luồn qua sàn lan đi xa. Đánh cho tiếng chiêng vượt qua nhà vọng lên trời. Đánh cho khỉ trên cây cũng quên bám chặt vào cành đến phải ngã xuống đất. Đánh cho ma quỷ mê mải nghe đến quên làm hại con người. Đánh cho chuột sóc quên đào hang, cho rắn nằm ngay đơ, cho thỏ phải giật mình, cho hươu nai đứng nghe quên ăn cỏ....”. Sau những lời từ ngàn xưa, dùi gõ ba cái thật kêu khởi động cho dàn nhạc. Những âm hưởng vang lên, đàn Goong thánh thót, đàn T’rưng rộn rã, rồi đàn gió, cả tiếng sáo cũng theo ta mà vang lên đồng điệu.
Nhịp tim người rung lên, những vòng người say sưa múa hát hoà nhịp núi rừng. Ta đưa con người lên mây, đưa họ nằm xuống đất. Ta luôn ở đây. Còn kẻ kia, hãy xéo đi, ta nghe những tiếng thở dài của người thườn thượt bên sườn núi. Nàng đã có chồng, nàng sẽ sinh con, đẻ cái, sẽ chẳng ai còn nhớ tới tình yêu của ngươi, sẽ chẳng ai biết ngươi đã làm gì nàng.
Lễ tan, lửa tàn, ta theo nàng đi.
Ngày. Tháng. Năm.
Cao nguyên bất tận, trập trùng nắng, dập dìu cơn gió đi hoang, lòng người cũng đi hoang, chồng nàng theo trai tráng mải mê với những cuộc săn bắn, những người đàn bà ở nhà thêu váy thêu hoa, cài chỉ đỏ trên y phục màu chàm. Ta treo góc nhà, chìm sâu giấc ngủ.
Bụng nàng to dần. Ánh mắt chồng lằng lặng.
Một ngày, men say chuyếnh choáng, sau khi bất lực không thể làm nghĩa vụ đàn ông, chồng hỏi. “Nó có phải người Ba Na không?”. Nàng lặng im, đôi mắt thăm thẳm xa xăm, ánh mắt đập vào ta, nhện đã giăng tơ. Hôm sau, chồng nàng lại đi cùng đám trai tráng.
“Anh đi đâu?”
“Đi tìm Đinh Núp”
“Làm gì?”
“Đuổi bọn mắt xanh mũi lõ”.
Người chồng mang theo ta vào rừng, đi nhiều ngày, nhiều đêm đến nơi có những người tới từ các dân tộc khác trên cao nguyên. Tiếng ta lại vang vang, như lời tổ tiên thúc giục. Người người xông pha, thanh âm thét gào núi lở, át nỗi khiếp đảm kẻ thù, mỗi lần nghe tiếng cồng chiêng chúng giật mình kinh hãi, những đôi mắt xanh tái dại chết chóc lòi đầy lòng trắng. Cứ thế, ta dẫn lối con người đi từ trận đánh này đến trận đánh khác trong mùa tỉa bắp năm ấy. Một lần, ta thấy thân mình đầy máu. Máu của người chồng và máu của nàng, ta đã rời xa nàng nhưng vẫn cảm nhận được nỗi đau thể xác, lời nguyền khiến ta tồn tại.
Ôi nỗi đau đàn bà, muôn đời vẫn thế, nghìn năm vẫn thế, nàng vật vã một mình trong hoang lạnh. Thanh âm tiễn biệt người chiến binh bay trên cao nguyên vọng đến căn lán dành cho những người đàn bà chờ trở dạ. Dường như nàng nghe thấy ta, bụng nàng như nước chảy xô vào tảng đá nhấp nhô, khi vồng lên, lúc chìm xuống, đôi tay muốn bóp gãy những thanh gỗ, vỏ bong mình rôm rốp, hơi thở đớn đau, hổn hển. Nàng ơi, hãy bấu chặt những gì trong tầm với, hãy cong lên cho cửa mình nhìn thế giới. Hãy đánh mạnh lên, hãy gõ mạnh lên, trầm trầm, bổng bổng, thanh thanh, cho mây dừng thổi, cho gió đừng gào. Hãy đánh nữa đi, cho thanh âm ta đỡ nỗi đau đàn bà, ru ngủ sinh linh.
Ta trở về, xôn xao mùa nắng. Nàng địu con ôm lấy ta nức nở, ngực rỉ sữa thơm. Thằng bé cười khanh khách, quấn lấy ta như một thứ đồ chơi.
Chẳng cần gõ, chẳng cần đánh, bàn tay nàng khẽ chạm ta đã rung lên, nàng không còn sợ.
“Giàng ơi …
Nếu Đam San cưới nữ thần mặt trời
Chắc cao nguyên đã thành sa mạc
Người Ba Na chẳng trồng ngô bên suối
Người Ê Đê không trồng lúa trên đồi
Những con đường không màu đất đỏ.
Giàng ơi,
Bao mùa rẫy đi qua,
Bao mùa hoa Pơ lang nở
Sao người còn tìm em
Giữu bao la đại ngàn
Giàng ơi…”.
Tiếng hát nói cho ta biết người đàn ông kia đã lén lút đến tìm nàng, nói những lời thống thiết.“Không, muộn rồi, em là gái chồng, chết em là ma nhà chồng”. Nàng sẽ lấy anh hoặc em trai của chồng theo tục lệ của người Ba Na. Trong đôi mắt nàng một nỗi sầu trĩu nặng. Nàng nghĩ suy nhiều lắm, đôi mắt thâm quầng, mặt rộc đi nhưng người đàn bà vẫn ôm đứa bé, môi hé mơn man cất tiếng hát mỗi đêm, giọng thanh thanh nhẹ như một ngọn cỏ thơm.
Lễ bỏ mả, nàng nghe thầy cúng làm một ghè rượu, một con gà, trước mộ và họ hàng nhà chồng, nàng gõ ta bảy tiếng. Thanh âm từ địa ngục, nghe thê thiết, điêu linh, làm chim bay quay đầu, chuột sợ hãi chạy về ổ, rừng ủ rũ xanh. Thanh âm vào len vào sâu suy nghĩ của những người kia, những người anh em của chồng, họ đều có vợ nhưng vẫn say mê vẻ đẹp của nàng. Họ chỉ chờ được bẻ cần.
Miếng thịt gà được tay nàng ném ra, rượu tay nàng rót ra, tưới xuống đất, đôi mắt sầu u uất.
“Nói theo ta”. Thầy cúng lẩm bẩm.
“Bây giờ hai ta đã bỏ nhau”
“Bây giờ hai ta đã bỏ nhau”. Nàng lặp lại, cả những câu sau.
“Tôi muốn đi kiếm chồng khác, tôi cho chồng gà rượu đây, chồng đừng giận tôi…”
Khấn xong, nàng run run đến trước những người anh em, tay cầm chiếc cần rượu. “Nói đi, ai thương tôi thì bẻ chiếc cần này”. Thầy cúng thúc giục.
Nàng thản nhiên nhìn những khuôn mặt người. Bầu trời xâm xẩm, chất chồng những đám mây chẳng rõ hình hài. Bỗng nàng cầm lấy ta, nắm tay gõ vào ta, thanh âm cất lên những nỉ non, đau khổ, thanh âm của đàn bà cô đơn, thanh âm như tiếng chim gãy cánh muốn được bay lên. Chân nàng nhún nhảy, vai nàng đung đưa, đôi mắt nhắm nghiền.
“Liệu ai sẽ thương tôi, ai sẽ thương đứa trẻ mồ côi. Xin đừng ai thương tôi”. Miệng nói như hát, vừa dứt lời, nàng tự bẻ gãy đôi chiếc cần rượu trên tay trước sự ngạc nhiên xung quanh. “Giàng ơi, cô ta điên rồi, hãy đuổi khỏi đây”.
Tiếng gãy cần lẫn trong tiếng cồng vang lên dữ dội. “Không ai được hại nàng, không ai được hại nàng”.
…
Ngày. Tháng. Năm.
Nàng trở về vùng đất nơi nàng đã sinh ra, chiếc lán nhỏ được dựng lên dưới bóng cây Kơ nia. Nàng chẳng thuộc về ai, nàng là của cao nguyên.
“Về đi con”. Đôi mắt người cha già đã dịu lại sau những ngày tức giận.
“Còn dân làng”
“Cha chẳng thể làm tù trưởng khi con mình cũng không thể bảo vệ”.
Nàng dắt đứa bé trở về.
Ngày. Tháng. Năm.
Những lễ hội thưa dần, ta treo trên nóc nhà, ngủ yên. Những người đàn ông thưa dần, thế thời khiến họ đi muôn ngả, kẻ leo lên non, người đi xuống biển, kẻ tìm hướng bắc, người xuôi đằng nam, buôn chỉ còn người già, phụ nữ và trẻ em.
Những mùa rẫy đi qua, người tù trưởng già đã chết, người đàn bà cũng già đi, đứa trẻ lớn nhanh như cây sau mùa mưa, nhanh thoăn thoắt như nai, khoẻ mạnh như trâu.
“Hãy đến những ngôi làng người Ê Đê bên dòng suối Ea Nuôi. Tìm cha con ở đó”. Một ngày, nàng nói điều đó với con mình. Ta lại được gỡ xuống, nàng lau ta bằng vạt áo, chàng trai trẻ nhận ta như một tín vật.
Ngày. Tháng. Năm.
Nàng ngày càng yếu đi, một chiều nàng không thể dậy ngắm hoàng hôn cũng đang đợi nàng trên cao nguyên, đôi mắt chẳng thể nhìn được về hướng người con trai sẽ trở về. Hơi thở thều thào, khó nhọc, nàng nhớ con, liệu con có tìm được cha không, sao đi bao năm chẳng về. Hôm qua nàng nghe dân làng nói với nhau Ban Mê Thuột được giải phóng, những buôn làng đang thi nhau mở hội, đó chả phải là nơi của những ngôi làng người Ê đê sao. Nàng chỉ nghĩ được thế.
Nàng khó nhọc, chìm vào đêm suy nghĩ mông lung. Đêm ấy, nàng mơ những giấc mơ ngắt quãng, ảo diệu. Tất cả những người nàng đã gặp trong đời đều ngồi xung quanh nàng. Ánh mắt cha từ bi, chồng nàng, con nàng, người yêu nàng và cả chiếc cồng nữa. Tất cả đều nhìn nàng im lặng, chỉ có chiếc cồng khe khẽ rung lên.
Ánh bình minh hắt vào ô cửa, bừng sáng ngôi nhà. Nàng nghe thấy tiếng cồng quen thuộc dội vào tai, len vào ngực. Thanh âm ngày một lớn dần, lớn dần như bước chân đến gần. “Là ta đây, là ta đây”. Nàng tỉnh dậy, thấy cơ thể khoẻ khoắn lạ thường, đôi mắt bừng sáng, đầu óc minh mẫn. Nàng vùng dậy bước ra cầu thang, mắt vọng về hướng đông, có bóng ai in vằn trên nền đất đỏ, Nàng chạy xuống, bàn chân thoăn thoắt qua những vạt cỏ nở hoa. Là con trai nàng, chính là con rồi, chàng thanh niên mặc chiếc áo xanh, đội mũ tai bèo, bàn tay thi thoảng gõ vào chiếc cồng.
“Là ta đây, là ta đây”. Thanh âm của ta vẫn vang lên sau mỗi lần ra trận. Đưa người sống, tiễn kẻ chết. Tây nguyên đã yên bình, ta đưa con nàng trở về đây. Tỉnh lại đi, xin đừng chết, đừng chết.
Ngày. Tháng. Năm.
Bây giờ ta nằm yên trong cái nơi gọi là viện bảo tàng, ngày ngày lắm kẻ ngó nghiêng.
Ta có hình. Ta có tiếng.
Ta là một vị thần.
Đang ngủ.
Bùi Tuấn Minh
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0