Wen mở mắt, trời đã tang tảng sáng, bộ rằn ri ướt đẫm, đôi dày cũng ướt sũng. Ngày thứ ba lẩn trốn ban tặng cho Wen cái rét run người. Đêm hôm 11 tháng 6 đã không được ngủ, phải chạy và chạy. Ngày 12 cũng không dám ngủ, không dám cử động mạnh, không dám ho; đến tối cũng chỉ chập chờn ngủ gà ngủ gật. Lúc nào cũng thấp thỏm lo âu. Xa xa, thỉnh thoảng có tiếng hô hét, rồi tiếng súng.
Bọn muỗi vo ve tấn công những vùng không có vải che. Wen vơ vội mấy cái lá để vò ra, sát vào mặt và hai bàn tay để chúng không thấy hơi người, rồi dỏng tai nghe động tĩnh.
Đói. Đã hơn hai ngày nay không được ăn. Cái bụng trống rỗng cồn cào gào réo. Khẽ vén lá quan sát. Cách đó chừng chục bước chân là một khe suối nhỏ, có lẽ được tạo bởi cơn mưa nên nước đục ngàu. Cảm thấy an toàn, Wen rẽ bụi cây, lò dò đến bụm tay vục nước để uống, bất chấp cái vị nồng nặc của mùi đất và lá ẩm mốc. Mới được hai ba hớp đã hình như có tiếng người, Wen vội vàng rón rén trở lại nơi ẩn nấp, thu người lại. Bây giờ, chỉ một tiếng cành cây gẫy hay tiếng vỗ cánh của một con chim nhỏ cũng khiến Wen giật mình thảng thốt.
Wen nhớ lại. Sáng hôm ấy, ngày 10 tháng 6, Y Thi đến nhà, nói:
- Tôi biết chỗ này rất nhiều cá, nhưng hơi xa, phải đi vài ngày.
Đang lúc rảnh rỗi vì bắp trên rẫy đã trổ cờ, cà phê cũng vừa bỏ phân xong, nên Wen ừ ngay khi Thi rủ đi đánh lưới. Vợ Wen cũng cười động viên và dặn: “Được nhiều cá thì bớt lại con to, đừng bán, nhà mình lâu lắm chưa được ăn cá to”. Vậy là Wen hăm hở leo lên xe để Thi chở đi bắt cá.
Thấy không mang theo lưới, Wen thắc mắc thì Thi trả lời: “Có bọn trong kia mang rồi. Bây giờ ta đến chỗ đó để cùng đi”. Chiếc xe máy chạy hết con đường bê tông lại đến đường quốc lộ, rồi đường bê tông liên xã, liên buôn chừng gần hai giờ đồng hồ thì chui vào một con đường đất dành cho việc lên rẫy. Cuối cùng nó đi vào một căn nhà thưng bằng tôn rộng chừng ba chục mét vuông. Ở đó đã có khoảng hơn chục người đang phì phèo thuốc. Họ chào Wen và Thi bằng cái gật đầu và nụ cười bí hiểm cùng câu hỏi “Tới rồi à”. Y Wen nhận ra trong số họ có ba người cùng xã, đã từng cùng uống rượu với nhau tại một đám cưới. Nơi góc nhà, những ba lô rằn ri nằm ngổn ngang…
Thỉnh thoảng lại có thêm người mới đến bằng xe máy. Đi một mình có, đi ba bốn người cũng có. Đến bữa trưa thì đã có hơn bốn chục người. Wen thắc mắc: “Đi bắt cá mà sao đông người thế?” Thi bảo: “Tôi cũng không biết. Nghe thằng Y Thu rủ thì đi thôi!”. Trong bữa ăn, ít tiếng nói cười, mỗi người một đĩa cơm, tự chọn chỗ ngồi, nghe tiếng hai người ngồi gần thì thầm: “Sau vụ này, mỗi đứa được một trăm triệu, có khi còn được đón đi nước ngoài…”, Wen giật mình, miếng cơm đang nuốt bỗng nghẹn lại. Wen lẳng lặng cầm đĩa cơm đi tìm Thi kéo ra ngoài sân, hỏi: “Sao lại được một trăm triệu, rồi được ra nước ngoài, có phải lại như năm 2001 và 2004 không?” “Tôi cũng nghi như thế rồi. Nhưng không bỏ về được.” “Tại sao?” “Lúc nãy, tôi hỏi Y Thu, nó bảo đến đây để đi bạo loạn. Tôi đòi về, nó bảo nếu mà về thì bọn thằng Y Tinh sẽ giết ngay. Phải theo chúng nó thôi!” Cả hai ngồi phệt dưới gốc cà phê. Hai đĩa cơm chưa vơi một nửa nằm chỏng chơ mời lũ ruồi đến.
Wen không trách Thi bởi Thi cũng là người bị lừa đến đây. Cả hai đều không muốn tham gia hoạt động gây mất an ninh trật tự, chống phá chính quyền; chỉ muốn yên ổn làm ăn. Nhà chưa giàu nhưng cũng đã đủ ăn đủ mặc, có xe máy, tivi, tủ lạnh; buôn có đường rải bê tông và điện sáng về đêm… vậy thì đi biểu tình, bạo loạn để đòi cái gì nữa? Phải tìm cách trốn về nhà thôi!
(Tranh minh hoạ)
Sau bữa cơm tối, bọn chúng phân chia thành hai nhóm để sẽ đi hai hướng khác nhau. Wen và Thi bị tách nhóm, không được đi chung, vì chúng nó nghi ngờ hai người sẽ rủ nhau trốn tránh. Trước khi đi, chúng đưa cho Wen một con dao phát và mấy chai bom xăng với nhiệm vụ đập phá cửa và ném các chai xăng vào trong để đốt…
Thấy Wen ngồi đằng sau xe máy run bần bật, thằng lái xe động viên: “Mày cứ thực hiện xong, lên xe, tao chở mày chạy luôn. Khuya như thế này, không có người nào bắt được đâu”. Nó nói thế nhưng Wen cũng biết là nó đang sợ, người nó cũng đang run lên khiến chiếc xe cứ loạng choạng cố đi theo đoàn.
Chúng nó lao vào trụ sở Uỷ ban nhân dân xã. Tiếng súng đùng đoàng chói tai. Tiếng hò hét inh ỏi. Tiếng đập phá. Lửa của bom xăng bùng lên loá mắt… Hoảng hồn, Wen vứt con dao và ba lô đựng quần áo cùng mấy chai bom xăng, chạy ra cổng, lao vào rẫy cà phê. Bọn kia cũng rú xe nhanh chóng rời nơi vừa gây ác.
Chẳng biết chạy được bao xa và chạy hướng nào, thời gian chừng hút hết vài điếu thuốc thì Wen nghe có tiếng xe, tiếng người, tiếng bước chân rầm rập, tiếng mệnh lệnh đanh chắc. “Chết rồi, công an truy bắt tội phạm, đông lắm! Ở đây rất gần, chắc chỉ cách chừng trăm mét. Phải tránh xa nơi này thôi!”. Lại chạy tạt ngang ngược với hướng có người. Chạy mệt thì đi, càng nhanh càng tốt. Tới khi trời tang tảng sáng, Wen thấy được một bụi cây um tùm bên triền dốc, đang mệt mỏi rã rời, nên chui vào trốn để nghe ngóng tình hình. Cũng may, trong bụi cây là một cái hốc đất đủ để ngồi. Xa xa, có tiếng súng. Rút chiếc điện thoại trong túi áo ngực, Wen vội tắt chế độ âm thanh, chỉ để lại chế độ rung. Hình như chỗ này cũng khá gần lối đi nên tiếng người và tiếng bước chân khá rõ nên càng im lặng bao nhiêu thì trốn tránh càng an toàn bấy nhiêu.
Quả thật, người qua lại khá nhiều. Tầm 7 giờ, Wen nghe rõ tiếng người nói chuyện với nhau: “Bắt được mấy đứa rồi?” “Năm đứa. Vẫn đang truy đuổi một toán ở khu rẫy đàng kia và một toán ở đồi Độc Lập”. “Thằng nào bị nhân dân bắt thì coi như là nhừ xương. May mà công an đến giải cứu kịp chứ không là bị dân đập chết rồi”. “Ừ. Tại chúng giết người dã man quá mà!” “Bà con mình cũng vui thật đấy. Súng đạn nổ ầm ẩm vậy mà vẫn kéo nhau đi xem và đuổi bắt bọn khủng bố. Có người còn lấy điện thoại để quay làm clip nữa…”
***
Ngày 13 tháng 6. Ngày thứ ba Wen sống trong thấp thỏm sợ sệt. Không dám rời chỗ ẩn náu vì ban ngày lúc nào cũng có người qua lại, ban đêm thì ánh đèn pin quét loang loáng bủa vây. Đói, rét, lo sợ… Bây giờ mà lộ ra thì không có sức mà chạy. Dân bắt được thì có thể bị dân đập chết, Công an mà thấy có khi cũng bắn chết. Không chết thì cũng vào tù chẳng biết lúc nào được thả. Tội giết người và đốt trụ sở uỷ ban xã là to lắm, có thể bị tử hình hoặc tù chung thân.
Wen rùng mình: “Nếu mình chết hoặc vào tù thì vợ con mình sẽ sống như thế nào nhỉ?” Wen bịt tai, đập đầu vào thành đất để xua đi cái suy nghĩ tồi tệ của mình. “Không, tôi không giết người, tôi không đốt phá trụ sở, tôi chỉ bị bắt đi theo chúng nó thôi!”… “Nhưng ai còn nghe mình giải thích chứ! Bây giờ mà xuất hiện là bị đánh đập, là bị bắt đi tù… Giả sử mà ra được khỏi đây thì cũng không thể về nhà. Mà vợ con ở nhà có khi cũng bị công an bắt đi vì có người nhà tham gia làm việc ác… Yang ơi! Vợ con tôi có bị người ta đánh đập không...?” Hết lo cho mình lại lo cho vợ con, Wen chuyển sang tự trách mình sao không trốn ngay sau bữa cơm trưa ngày hôm kia, lúc biết bọn chúng sẽ đi làm việc ác.
Nửa buổi, chiếc điện thoại nơi túi ngực rung lên. Wen lấy ra xem. Vợ gọi. Wen thì thào: “Tôi đây. Tôi đang trốn.” “Tôi biết rồi. Mấy hôm nay chính quyền, các đoàn thể, bà con đến nhà suốt. Họ bảo tôi vận động anh ra đầu thú để được hưởng khoan hồng. Nếu bị bắt là tội nặng hơn đó!” “Đầu thú bằng cách nào? Tôi bây giờ mà thò mặt ra là sẽ…” “Ờ, để tôi hỏi xem nhé!” “Ừ, tôi tắt máy đây, sắp hết pin rồi.”
5 phút sau. “Anh Wen à, sẽ có xe đưa tôi đi tìm anh. Xe có loa gọi tên anh. Tôi ngồi trên đó, nếu thấy tôi thì anh gọi điện thoại để hướng dẫn tôi cùng mọi người đến chỗ anh nhé! Bây giờ anh nói xem anh đã nhìn thấy những gì ở chung quanh để dễ nhận ra khu vực anh đang ẩn nấp…”.
Sau khi quan sát địa hình, Wen miêu tả những đặc điểm dễ nhận biết với vợ, rồi ngồi chờ. Chưa bao giờ Wen thấy thời gian trôi chậm chạp đến vậy. Không gian tĩnh lặng đến mức nghe được cả nhịp đập của trái tim. Hồi hộp, thấp thỏm, lo âu nhưng cũng chộn rộn niềm vui. Ừ, ít ra cũng sẽ được gặp vợ, chuyện trò vài câu trước khi phải lên xe kín bịt bùng.
Lê Khôi Nguyên
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0