Đó là một mùa cỏ lau đẹp đẽ nhất, long lanh nhất trong mắt tôi. Khi rời khỏi cái hào hùng và kì vĩ gợn giữa những dãy núi của Tây Nguyên đại ngàn, tôi đã khóc bởi một cảnh tượng đầy xót xa lẫn hạnh phúc.
Chúng tôi được đi trải nghiệm bảy ngày trong một trại hè ở chốn rừng già kì vĩ, những ngày hè nóng bức và đôi ngày mưa xối xả bù lại cái nắng nóng ấy. Tôi là một người quay phim tư liệu về chốn này. Năm đầu tiên vào nghề, tôi đã may mắn được tham gia đoàn trải nghiệm Tây Nguyên. Một sinh viên năm hai như tôi, một thân một mình ở nơi không quen thuộc thật khó khăn. Trên con xe đi qua bao dốc, bao đỉnh đèo, cứ lên rồi lại xuống như đang chơi xích đu, cái nóng xuyên rọi cửa xe lao vào chúng ta vồ vập, hồ hởi.
Chưa bao giờ tôi lại thấy cái nguyên thủy, hoang sơ mà lại đẹp đến thế: lớp lớp những dãy núi phủ xanh trùng điệp chồng chéo lên nhau như những nếp gấp sóng của một bức tranh thủy mặc, nỗi âm u hoài cổ và cô đơn lạc lõng khi tưởng tượng ra một ngồi nhà nhỏ bé nằm giữa thiên nhiên nguyên sơ, những đất đỏ bazan cao hàng mét dựng lên như bức tường thành khổng lồ cách biệt đại ngàn với thế giới thành phố phồn hoa đô hội và náo động tấp nập. Vài khi, tôi há hốc mồm kinh ngạc trước vẻ đẹp của rừng núi, khi lặng lẽ bình ổn xôn xao với vài cây cỏ lau vun vút trong gió, khi lại gầm gào mạnh mẽ như một con hổ uy dũng của rừng già.
Đại ngàn ơi, ta đã đến! Tôi không thể tả sao cho hết cái "xanh" tạo nên một cảm giác vừa xơ xác vừa dễ chịu, cọ vào mắt tôi làm tôi không thể dừng lại ngắm nhìn cảm giác ấy. Rừng rú bị bao như một địa hình lòng chảo đang nướng lên bởi thấm mùi nắng đặc trưng và rào rạo bốc lên bởi một cơn dông kéo tới. Khi nắng đến, chúng phơi lộ cái đẹp tròn vẹn, mặc cảm nhất, như những người đẹp đang say ngủ và nhẹ nhàng chuyển động luân phiên, khi lại như những con voi nhỏ nhẹ rề rà dễ chịu tắm mình trong nắng, khi lại là những con rùa đang phơi mai cho khô sau trận mưa ác liệt, trên lưng phủ đầy hoa lá và cỏ cây. Những con đèo phất phơ ngoằn ngoèo như đang kéo chân chúng tôi, đang giảm tốc độ bánh xe lại để nhìn thêm, nhìn nữa, ngắm vẻ đẹp còn sót lại của rừng già. Tôi khoan khoái cảm nhận mùi của cỏ lau, cỏ dại thơm phức mịn màng đang cò cọ qua mặt mình, mùi mưa ẩm đang thấm dần lên áo, lên người, mùi mây trời đang hòa quyện, mùi gió luồn lách thổi qua những khe áo, cho đến khi tôi đã quen thuộc và hóa hẳn thành một cây hoa dại lẫn vào giữa đám cỏ. Hóa ra, có những cái đẹp khiến chúng ta chẳng thể dùng hết mỹ từ để tả nổi.
Đang rung rinh lắc lư theo xe vượt đèo, tôi bất chợt dán mắt vào một vùng toàn là cỏ lau bên một dòng sông lấp lánh như pha lê, chúng vàng ươm, lay động lúc mạnh lúc nhẹ theo cách mà gió thổi qua, như phụ thuộc vào gió để phơi lộ cái đẹp của bản thân mình. Bao lâu rồi, cỏ lau ơi? Bao lâu rồi ta đã bỏ quên ngươi vì cuộc sống thành phố đầy bận rộn kia? Sao màu tím, sắc trắng kia vẫn cứ sống sót tươi nguyên đến thế?
Lần cuối cùng tôi nhìn thấy cỏ lau đã ngót nghét bốn năm trước, trên con xe Dream đỏ đời cũ xập xệ và bé tí, bố chở cả ba chị em tôi ra đồng hoa cỏ lau bên con sông quê, chụp cho chúng tôi một bức ảnh làm kỷ niệm trước khi rời xa quê hương mình. Gió thổi rào rào qua mặt tôi, cay xè đôi mắt tôi vì bụi tọc mạch chui vào, gió len vào thì thầm trong tai tôi những giai điệu ù ù như băng cát xét hỏng, nhưng nhẹ nhàng và mượt mà hơn. Lúc đó tôi mặc một chiếc áo len tím, chị nhổ cho tôi vào bông cỏ lau cầm trên tay như một bó hoa cỏ lau nữa, tôi cảm giác lạ thường như thể mình đã biến mất, đã nhập vào đồng có lau thật vô thức. Những bông hoa trắng, tím mọc cao bằng tôi xen lẫn nhau cứ ám ảnh tôi mãi, cho đến khi cao hơn chúng đến mấy phân tôi nhận ra thời gian quả là bỏ quên thật nhiều thứ.
Nằm giữa đồng hoa cải lại xuất hiện một căn chòi nhỏ bé nằm ở lòng mẹ thiên nhiên như một nét chấm phá điểm xuyết, một người đàn bà với nước da đen sạm, tóc xù xì bồng một đứa con trong cái địu thổ cẩm. Cô bứt một nhành hoa có lau giơ lên trước mặt đứa bé như một con mèo, vuốt mái tóc đen tuyền mịn màng của nó và che để nắng không chiếc thẳng vào mặt con. Đôi bàn tay đen đã sạm màu vì nắng nôi, vất vả trái ngược hẳn với khuôn mặt trắng tươm của đứa bé. Tôi nghĩ, có khi đứa bé ấy đang mỉm cười. Và tôi cũng bất giác cười nhẹ.
- Nhiên, em biết đấy là ai không?
- Không ạ.
Tôi quay sang nhìn anh Hoàng - đồng nghiệp, cũng là thầy dạy tôi đang ngồi cạnh. Anh am hiểu hơn vì đã tới đây nhiều năm, năm nay đến chỉ là để dạy tôi cách chụp và dựng cảnh. Đôi mắt anh hiền từ, giọng anh chất phác điềm đạm, cách nói chuyện từ tốn và biết lắng nghe. Anh Hoàng thường cho tôi nhiều kinh nghiệm, bài học mà chính anh đã tự rút ra trong quá trình làm phim. Anh nhìn người đàn bà với đôi mắt vừa là sự cảm thông, vừa như có chút sự bất lực.
- Năm trước anh đến đây, đã từng gặp người đàn bà ấy.
Mắt tôi hiếu kì nhìn anh.
- Từ năm mười mấy tuổi chị ấy đã lấy chồng. Nhưng chị ấy không hạnh phúc. Một cuộc hôn nhân ép buộc và khiên cưỡng. Có những khi còn trẻ phải trải nghiệm và phiêu lưu, họ lại bị nhốt trong cái cũi chật hẹp chỉ có sinh con và làm việc. Chị ấy sinh con ngay trong cái chòi tự dựng thô sơ, vừa chật, nhỏ, lại tồi tàn đến vậy. Chị chọn đồng cỏ lau vì đó là nơi chị ấy thỏa mãn tâm hồn yêu cái đẹp thơ ngây của mình. Khi anh hỏi sao dựng chòi ở đấy, chị bảo: "Vì đẹp.". Nơi sông nước, tâm hồn chị khoáng đạt hơn. Chị thường chèo thuyền bên sông, lấy nước sông sinh hoạt lẫn để ngắm. Đấy, thế thôi, vì người ta thấy đẹp mà trân trọng, mà nâng niu. Có lúc có những người đã đến định san phẳng cánh đồng làm một dự án, chị ra sức chống trả lại, khiến họ không nấn ná được lâu. Hoàn cảnh càng bi đát, họ càng có ý thức về số phận của mình.
Tôi quay ra nhìn khi anh kể xong. Căn chòi đã khuất mất sau những đỉnh đồi.
Đoàn chúng tôi dừng chân tại một buôn làng nằm núp trong rừng. Một buôn mà mọi người mặc đồ dệt thổ cảm thủ công, lúc nào cũng vui vẻ và tươi cười. Dù nắng nôi vất vả mà sao ai cũng tươi cười thế, tôi trộm nghĩ. Họ cứ thoăn thoắt làm việc này đến việc khác, giã gạo, thổi cơm, rồi đến hát hò, nhảy múa. Đời sống tinh thần của họ vẫn là một đời sống truyền thống với sáo, với đàn gỗ, chứ không phải điện thoại và vi tính. Họ khước từ những thứ hiện đại bởi với họ thiên nhiên thật tinh khôi và ngây thơ nhất, vì bản chất của con người là vậy, nên hãy giữ mãi như vậy. Tôi bất ngờ với những âm thanh mà họ có thể tạo tác nên, như minh chứng cho lòng yêu dấu và mê mẩn của họ với thiên nhiên: âm thanh của nước, của gió, của ánh sáng, của đá, của lửa, của gỗ. Hồ như tất cả là gia đình, là anh chị em cha mẹ, như những sinh thể biết nói.
Tham quan một hồi đoàn của tôi về nghỉ ngơi. Tôi xin phép trưởng đoàn ở lại thêm một lát nữa rồi mới trở về, trưởng đoàn đồng ý cho tôi mười phút. Tôi hào hứng đi dọc theo đường núi xuống và nhìn những ngôi nhà bày trí chẳng theo thứ tự nào đang ngủ yên. Tôi khựng lại khi nghe những tiếng rất đinh tai nhức óc, cứ nghĩ rằng đó là tiếng hát của họ, nhưng không, đó là tiếng chửi bằng một phương ngữ khác mà tôi không thể nào dịch nổi, còn có cả tiếng đánh đập bằng một vật liên tiếp vào tường, vào mọi đồ vật. Căn nhà ấy rung chuyển dữ dội. Tôi không hiểu tại sao không có một tiếng kêu nào, và mọi người trong buôn làng cũng không ai chạy ra can ngăn. Tôi chạy đến căn nhà đó, một cảnh tượng đáng sợ và xót xa khỏa lấp mắt tôi.
Người đàn bà lấy một cái gậy liên tục đập vào người đứa bé trai, nó không kêu gào, không khóc than, áo quần đen kịt lại vì dính bùn bẩn và đất đá. Nó chỉ lấy hai tay che lên đầu như một phản xạ bản năng. Người đàn bà không có ý định dừng lại, quất xối xả như mưa vào người đứa bé. Tôi đứng án binh bất động, chân run lẩy bẩy không biết làm gì cả. Tôi đã từng thấy những cảnh tượng trên phim, nhưng không ngờ nó đáng sợ và tàn độc đến mức ấy. Chửi xong, bà ta im lặng lấy một thanh gỗ đang cháy dí vào người đứa bé, nó rên lên khẽ khàng rồi suýt gục xuống. Bà ta đang uống rượu! Tôi khẽ kêu lên khi thấy một chai rượu trên bàn và nhìn cái áo xanh của ả ta không phải thấm đẫm mồ hôi mà là rượu. Bà ta vừa cười đểu vừa lấy chai rượu dở một nửa dơ lên định đập vào đầu đứa bé. Lần này ả ta rú lên bằng tiếng Kinh:
- Mày chết theo thằng cha mày luôn đi!
Tôi kinh hãi tột độ, lao vào đẩy bà ta xô vào cái thúng thóc ở góc nhà rồi nắm tay đứa bé chạy ngay ra ngoài. Người đàn bà đó vẫn lảo đảo vì vừa say rượu vừa bị chấn động mạnh. Đứa bé yếu sức, không theo tốc độ chạy của tôi được. Tôi cõng thằng bé lên vai và chạy vào bìa rừng, đặt nó nằm bên cạnh bóng râm. Tôi mở balo lấy nước rửa vết thương, lấy băng gạc và băng cá nhân bó lung tung vì đang hoảng. Vết thương nặng quá. Mắt thằng bé thiêm thiếp đuối hẳn đi. Tôi liên tục lẩm bẩm:
- Chờ chị! Chờ chị thêm nữa! Chị sắp xong rồi!
Điện thoại tôi ting ting lên, sau chuyển thành cuộc gọi, tôi biết trưởng đoàn đang rất bực mình vì trễ chuyến, sai lịch trình. Vừa mở máy, tôi đã bị mắng xối xả vì chậm trễ. Tôi liên tục xin lỗi và nói sẽ không ăn cơm trưa, mọi người ăn trước tôi sẽ trở lại sau, gọi cho anh Hoàng quay phim giúp bằng máy dự phòng tôi để ở balo nơi nghỉ ngơi. Tắt máy, tôi quay sàn nhìn thằng bé. Tôi cho nó uống nước. Tôi ngờ ngợ hành động của mình trẻ con quá. Dần dần, nó cũng mở mắt ra nhìn tôi và toan chạy, tôi mới nói:
- Đừng sợ chị, chị không phải bắt cóc đâu. À, em nói được tiếng Kinh không? Em ổn hơn chưa?
Nó gật đầu. Cho cả hai ý. Tôi bắt đầu chất vấn nó trong lòng sao không chạy đi mà cứ đứng đó để bị đánh vậy. Tôi nhìn nó, khuôn mặt đẹp đến vậy mà lại bị đánh bầm dập, chân tay đầy sẹo xước. Tôi hỏi nó:
- Bà đấy là ai thế? Sao đánh mà không chạy?
- Mẹ em. Em không chạy được.
Tôi nhìn xuống, sờ vào chân thằng bé. Chân phải nó nhũn hẳn ra. Tôi vuốt đầu thằng bé và quan sát thật kĩ những vết thương của nó, cái lành cái đang. Nó gượng ngồi dậy một cách khó khăn, rồi nói một cách hụt hơi với tôi:
- Bố em...bỏ theo người khác. Chị đừng trách bố em, em là thứ xấu xí mẹ đẻ ra giống bố nên mẹ mới đánh.
Tôi khẽ giật mắt và sửng sốt. Tôi đau đớn nhìn thằng bé, nó đã suy nghĩ bao nhiêu để hiểu khi mới từng tuổi này, đã ai nói gì để nó tự nhận mình là đồ xấu xí, nếu là tôi, tôi đã phản pháo lại và khóc dỗi, có khi đòi bỏ nhà đi, nhưng thằng bé, nó bỏ đi ở đây, thì ai nuôi nó? Ai nuôi một thằng bé từ trong rừng chui ra, ngoài việc chỉ có những người muốn lừa nó trên thành phố mà thôi? Trái tim tôi hơi thắt lại, mũi tôi cay nồng hơn bao giờ hết. Trong một câu nói mà đã gợi ra bao nhiêu là lẽ nghịch lí, éo le của cuộc đời. Có những đứa trẻ có thể nhõng nhẽo như lẽ thường cả ngày và được dỗ dành bằng một cây kẹo, một món đồ chơi, thế mà, lại có những đứa trẻ chìm nghỉm trong một vũng bùn lầy đen ngòm không có kẹo ăn.
- Em đói quá.
Tôi đứng dậy ngay tắp lự, nói với nó:
- Chờ chị một tí, chị đi lấy đồ ăn cho em.
Tôi phi về chỗ nghỉ, lấy đồ ăn trưa ra hộp xốp và túi, mặc kệ trưởng đoàn đang lên tục gọi tôi "Nhiên, Nhiên!" như tiếng quạ kêu, tôi chạy thật nhanh.
Tôi đánh rơi hộp đồ ăn xuống đất khi chỗ nó vừa ngồi trống trơn. Tôi nghĩ mình làm, men theo bìa rừng tìm nó, nhưng hoàn toàn không có. Nó ở đâu? Nó đau rồi? Tôi lo lắng nháo nhác nhìn quanh. Tôi ngồi thụp xuống, chẳng lẽ thằng bé lại tự chui vào vũng bùn ấy lần nữa. Tôi nhận ra cái lẽ đáng sợ của cuộc đời này: thiên nhiên ngoài kia nhìn thật nguy nga, thật rộng lớn và hiền từ, thế mà ẩn sau nó lại có thể là những cảnh tượng đau lòng đến thế. Có những thứ ta tưởng nhầm tai hại nếu không tiến sâu vào để nhìn, để quan sát.
Tìm cả một buổi chiều, cùng với những ý nghĩ miên man dai dẳng đang làm tôi đau đầu nhức óc, giày cứng đét vết bẩn và ống quần dính bẩn đến thảm thương. Xẩm tối, tôi tạt vào một nhà dân, họ vẫn vui vẻ như thường đón tôi vào, cho tôi uống nước và ăn một vài món khi tôi đói vì không ăn trưa. Tôi vừa ăn, vừa hỏi về họ rồi rẽ sang chuyện về thằng bé. Họ bắt đầu nhìn nhau ái ngại, người đàn bà đang địu ru con ngủ dừng lại, nói với tôi:
- Cô nhìn thấy rồi à? Cảnh mẹ nó đánh nó ấy?
- Vâng.
Tôi đáp ỉu xìu.
- Không phải là bọn tôi không làm gì đâu nhé. Bố nó đã bỏ nó và mẹ nó đi, mà chị biết gì không, mẹ nó không chịu tin. Bố nó lên tỉnh khác trên thành phố làm ăn, lúc lên thăm mẹ nó bắt gặp đang ăn nằm với mụ khác. Mẹ nó về, bắt đầu ghét bỏ nó rồi cứ đánh như thế. Khuôn mặt thằng bé ý đúc bố nó, thế mới khổ!
Tôi nín lặng.
- Chúng tôi từng cố cứu nó và khuyên giải nhưng mẹ nó không tin đâu. Ngày nào cũng lôi nó ra đánh, sáng trưa chiều tối gì cũng thế tuốt. Có lúc đánh cả bà tôi sang can đến gãy lưng. Cả làng không muốn liên lụy nên cứ để đấy, như không có gì, không dám bén mảng tới nữa. Sau mỗi trận đánh và cơn tỉnh rượu, không yên thân bà ta bắt đầu khóc lóc xin tha thứ, xin rượu xong lại trở về như cũ. Không cho rượu là bà ta khóc lóc ỉ ôi trước nhà, không cho không được đâu. Biết là tội thằng bé, trách thì cứ trách, chúng tôi biết làm gì?
Đứa bé trong địu bắt đầu khóc ré lên, người mẹ lại phải bế nó, ru nó cho ngủ, nhưng cũng không nói gì thêm với tôi nữa. Cả gian trở nên yên ắng, chỉ còn tiếng sụt sịt của tôi. Tôi tắt nguồn điện thoại. Trong đầu tôi cứ ong ong bị lấp đầy bởi những ý nghĩ khác nhau, khi nghiêng bên này lại chao đảo bên kia. Người dân làng họ chẳng hề vô tình, cuộc sống ngặt nghèo và đói khổ, lo cho mình chưa xong làm sao lo được cho người khác? Người đàn ông, người đàn bà kia có lỗi không? Thằng bé cũng chẳng có tội tình gì, tội của nó là đã được sinh ra ư? Cái cuộc sống nghèo khổ cùng cực không hi vọng, đẩy họ vào con đường nhục nhã, rồi để cả một đống những tấn bi kịch xảy ra.
Không muốn làm phiền thêm, tôi trở về chỗ nghỉ. Mọi người đang ăn tối, một vài đã bắt đầu đi nghỉ ngơi uống trà. Bộ dạng thảm hại của tôi đã làm họ chú ý, trưởng đoàn không mắng vốn gì, mọi người xúm lại dìu tôi vào rồi hỏi han tôi đã làm gì. Trưởng đoàn mắng: "Im nào! Nhiên, đi nghỉ một ngày đi. Sau có gì nói tiếp.". Tôi vào phòng nghỉ, tắt hết tất cả đèn, không thay quần áo, cứ thế ngủ cho đến trưa hôm sau mới dậy.
Thằng bé đã đi đâu, tôi liên tục bần thần trong những ngày sau mà chụp ảnh, quay phim cứ dần tệ đi. Anh Hoàng nói tôi cứ nghỉ ngơi hoặc làm gì cho khuây khỏa, anh lo hết cho. Cái việc của tôi, thế mà tự nhiên làm liên lụy nhiều người.
- Em xin lỗi.
- Anh nhìn thấy nhiều rồi.
- Dạ?
***
Trong vòng bảy ngày, tôi chạy đi tìm mãi nhưng không thấy. Chẳng lẽ bỏ cuộc? Nhưng buộc có ngày, tôi phải rời đi. Nấn ná mãi không được. Thằng bé không trở lại, cũng không hề có một dấu hiệu nào. Tôi chỉ lo lắng, mà chẳng thể làm gì được.
Bảy ngày trôi qua, tôi lên xe với một trạng thái đã giảm đi mệt mỏi đôi chút, nhưng vẫn cứ khắc khoải chờ mong một điều gì. Mắt tôi cứ hướng ra núi đồi xa xăm mãi không thôi. Và rồi, cũng cung đường đó, cũng những dãy núi đó, tôi nhảy dựng lên khi nhìn thấy: trong căn chòi nhỏ rách nát và tồi tàn kia, người mẹ vẫn địu đứa con, nhưng lại dắt tay một đứa nữa. Thằng bé! Tôi kêu lên. Mọi người quay sang nhìn tôi. Tôi ngại ngùng ngồi xuống. Khuôn mặt kia, chiếc áo kia! Đúng rồi, chính là thằng bé, là thằng bé! Tôi vui sướng và hạnh phúc tột cùng.
Tôi thoáng cảm thấy anh Hoàng cũng đang nhìn. Trong chốc lát, nước mắt tôi rơi, tựa như đang rơi ướt hết và cay xè xè trên đồng hoa cải. Chị lấy hoa cỏ lau đưa lên cho đứa bé trai như một Đinh Bộ Lĩnh. Cỏ lau này sao thơm, và cỏ lau sao cay thế!
Mưa bắt đầu rơi, từng hạt, rồi bắt đầu lớn. Ba bóng dáng nhỏ chạy vào trong chòi. Chị có nhìn thấy tôi không, trong màn mưa trắng xóa đang thấm dần? Nhưng tôi thì nhìn thấy chị, rất rõ nét và cồn cào. Mưa xóa đi những giọt nước mắt, hòa tan nước mắt tôi lộp bộp xuống đất đỏ.
Tôi ước sao, cơn mưa này đừng trôi, để rẽ lối tôi gần hơn đến cánh đồng hoa cải. Cánh đồng cỏ lau ngào êm dịu của tuổi thơ, cánh đồng cỏ lau cay nồng nhưng ngập tràn hạnh phúc của người lạ tôi không quen.
Lê Hà Gia Linh
Trại viên Trại bồi dưỡng sáng tác Hạ Xanh năm 2023
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0