Hôm nay là một ngày hè oi ả. Giữa cái nắng và gió của đại ngàn Tây Nguyên, căn nhà cấp bốn thân quen đã che chở tôi từ nhỏ đến giờ đang nghi ngút hương khói. Bởi lẽ hôm nay là 27/07 - ngày thương binh liệt sĩ, là ngày mà gia đình tôi chọn để làm ngày giỗ cho bác ruột tôi, một người lính đã hi sinh trong mùa hè đỏ lửa năm ấy.
Thắp hương cầu nguyện cho anh trai xong, bố tôi với vẻ mặt buồn man mác ngồi vào bộ salon giữa phòng khách, đưa mắt nhìn lên di ảnh bác. Những nỗi lòng của người em mất anh cứ đau đáu đi theo bố tôi suốt những năm tháng tuổi trẻ cho đến tận sau này. Bố kể, ngày ấy bác chỉ vừa tròn mười bảy nhưng đã xung phong đi bộ đội vệ quốc. Ngày bác đi, bà khóc sướt mướt, tiếng khóc cứ nấc lên theo từng bước chân của bác. Lúc còn nhỏ, nghe bố kể, tôi còn thắc mắc tại sao bà lại khóc? Bác đang đi làm nhiệm vụ cho Tổ quốc - là nhiệm vụ cao cả, lớn lao cơ mà. Đến mãi sau này, lớn hơn một chút tôi mới dần nhận thức được nỗi đau của mẹ cho con ra chiến trường, cho con ra đi xung phong cũng là chấp nhận sự thật phũ phàng rằng con sẽ mãi mãi đem xương máu hiến dâng cho Tổ quốc. Bố tôi nói: "Thương bà lắm, cái ngày bác Việt đi, bà khóc suốt, người gầy rộc đi, ốm yếu hẳn. Đã thế nhà còn nghèo, chẳng có gì để mà bồi bổ".
Tôi còn nhớ, bố từng kể: Có hôm ông nhận được tin báo rằng quân đoàn của bác chuẩn bị đi qua bờ kè xa nhà bốn mươi ki-lô-mét. Bà nghe tin từ ông, cứ thế gom hết các đồ ăn còn lại trong nhà, viết những lá thư dài, một mình đạp xe bốn mươi cây số để được gặp con. Trớ trêu thay, hôm ấy bà đến trễ, sư đoàn đã hành quân đi xa khuất, bà ôm bọc đồ chất chứa bao tâm tình, cứ thế gục xuống đường mà khóc ngất. Cũng không ai ngờ đến, chiến tranh quá tàn khốc, lần ấy cũng là lần cuối ông bà và gia đình nghe được thông tin về bác. Sau đấy cũng chẳng có lá thư nào được gửi về. Ông bà cứ đằng đẳng hi vọng rồi lại hi vọng, hi vọng con trai mình còn sống, để được trở về đoàn tụ với gia đình.
Mãi một năm sau, bà nhận được giấy báo tử của bác. Bác đã mất trong trận đánh ở tỉnh Quảng Trị, sông Thạch Hãn dữ đã giữ chân Bác lại. Chiến tranh thật tàn khốc, Bác mãi mãi chẳng thể nhận được bọc đồ gói ghém tâm tư của gia đình, cũng chẳng bao giờ có thể quay về ôm lấy cha mẹ và các em thân yêu thêm lần nào nữa.
Bà tôi cứ thế lẳng lặng chung sống với nỗi đau mất con. Người ta vẫn thường nói: Con mất mẹ thì gọi là trẻ mồ côi, nhưng mẹ mất con thì chẳng có từ ngữ gì để diễn tả được. Mãi sau này, khi bà tôi có tuổi, bà bị lẫn và cũng chẳng nhớ gì nhiều. Thứ duy nhất mà bà nhớ nhớ quên quên, đòi làm cho bằng được là đi gửi đồ cho bác. Nhiều lần bà trốn các cô để đi tìm đường gửi đồ cho "thằng Việt", đi lạc khiến gia đình tôi phải ráo riết đi tìm bà.
Khi bà sắp mất, điều duy nhất bà nhớ vẫn là về bác, có lẽ nỗi đau ấy quá lớn đến nỗi trở thành nỗi ám ảnh với người mẹ yêu con như bà.
Đến giờ, ông bà tôi cũng mất được mấy năm rồi, có lẽ ở một thế giới khác, thế giới ngụ trên bầu trời cao kia, bà và bác đã gặp được nhau, được sống một kiếp khác trọn vẹn hơn. Chiến tranh cướp đi người anh cả trong gia đình, để lại nỗi đau không bao giờ vơi trong lòng người mẹ năm ấy.
Nguyễn Thu Hà
Trại viên Trại bồi dưỡng sáng tác Hạ Xanh năm 2023
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0