Xếp vài bộ quần áo, vài đồ dùng cá nhân vào cái túi kaki, Viên tiện tay nhét vài vỉ thuốc ngủ. Xong xuôi, hắn thanh toán tiền trọ. Bà chủ ngày trước nói xỉa xói, bây giờ hiền như bụt, nói rôm rả và ríu rít lắm. Toan bước đi, hắn đứng lại, chợt ngoái lại nhìn căn trọ tồi tàn sáu năm qua, rồi quay đi, bước những bước khập khiễng, lê thê.
Cuối tháng bảy, Sài Gòn trở về với những cơn mưa dông bất chợt. Giờ này, mưa đã thấm mệt nhưng vẫn nhỏ giọt trên con phố ẩm ướt. Hắn đứng ở bến, đợi xe, lưng hơi gù, với cái túi kaki to đùng, kéo dài qua ngang đùi. Tay châm điếu thuốc lá, rít một hơi dài, phả ra làn khói trắng trong không khí ẩm mùi đất. Tóc hắn phủ gáy, chấm cả vào mắt vấy đỏ. Chiec áo sơ mi còn vương nếp gấp, và xắn lên một cách cẩu thả.
Viên, 28 tuổi, một nhà báo tại Sài Gòn. Bố mẹ hắn chết cả rồi. Bố cứu người đuối nước, rồi chết thảm. Còn mẹ hắn, vài năm sau, ốm một trận nặng lắm, rồi cũng chết. Chắc tại quá đau, quá nhớ bố hắn. Viên chẳng còn là điểm tựa của ai, cũng không ai nương tựa. Sống vật vờ nhờ oxi, nhờ tiền lương ba cọc ba đồng của cái nghề nhà báo quèn. Xoay vần trong cái kế sinh nhai, với gánh nặng giữa phồn hoa đô thị, hắn muốn bỏ. Bỏ nhiều thứ. Bỏ cuộc đời hắn.
Lần này, chuyến đi cuối, Viên quyết như vậy. Hắn về Tây Nguyên làm phóng sự, nhưng có lẽ, thâm tâm hắn muốn trở lại Tây Nguyên lần nữa. Từ ngày mẹ hắn chết, làm lễ bỏ mả xong xuôi, hắn chẳng về nữa. Về chỉ có cô đơn. Nhưng ký ức thuở nhỏ, kí ức của bố, của mẹ như làn khói mơ ảo choán lấy tâm trí hắn, cứ ám ảnh, day dứt trong tâm khảm. Thế là hắn quyết định: về một chuyến.
Xe tới, cũ kỹ, hối hả với đống đồ lỉnh kỉnh cùng hành khách hỗn tạp. Viên vứt điếu thuốc hút dở, rồi bước lên xe. Hắn cao khều, nhưng gầy gò, mái tóc lấm chấm những hạt nước nhỏ li ti, bước rảo tới hàng ghế cuối. Hắn mở cái túi bạc màu, lấy điện thoại, lướt xem qua công việc trong một ngày. Thực ra là thói quen nghề nghiệp, nhưng lần này, hành động đó dường như vô nghĩa. Nhận ra, hắn tắt điện thoại, nhắm nghiền mắt lại. Mấy ngày nay, Viên vẫn không ngủ được. Mỗi đêm mất ngủ, hắn gọi bạn bè đến uống rượu. Sau khi mọi người đã ngủ hết, hắn đứng ngơ ngẩn một mình nhìn cửa kính. Càng mất ngủ, càng uống rượu, càng uống rượu, bệnh càng nặng. Hắn ăn uống vô tội vạ, ăn xong lại nôn, nôn không ra thì lấy tay móc họng. Vì thế, hắn càng ăn càng gầy. Còn bây giờ uống rượu, cả đêm mất ngủ, chất cồn đè nặng thần kinh, cuộc sống đè nặng linh hồn. Cả đêm thức, nhưng cứ ra khỏi cửa lại buồn ngủ.
Vừa chợp mắt, Viên lại nghe thấy tiếng trẻ con khóc. Một người phụ nữ trẻ với hành lý bừa bộn, một tay ẵm đứa nhỏ đang quấy khóc, mắt nhắm tịt, nước mắt nước mũi chay ra cả chiếc áo nhỏ, tay còn lại xách một túi nải đang chuẩn bị lên xe. Đứa trẻ bên cạnh cũng còn bé lắm, ôm một bọc bao to gần bằng nó. Bà mẹ nom lúng túng. Đúng lúc đó thì một bà cô béo ụ trên xe trạc tuổi trung niên đứng dậy, đỡ lấy ba mẹ con, xách đồ mang vào xe. Chỉ cái thân hình đó thôi, đứng lên đã khó khăn, nhưng mụ vẫn hăng hái cười vui vẻ, giúp đỡ nhiệt tình lắm. Hắn liếc nhìn, thầm nghĩ: Nếu không phải là móc túi, cũng thuộc dạng dở hơi. Xong xuôi, người phụ nữ vào xe, gượng cười nhìn bác tài, trán lấm tấm mồ hôi. Rồi chật vật đi vào chỗ duy nhất còn trống: Cạnh Viên. Ba mẹ con ngồi chật chội, với đống đồ lỉnh kỉnh. Con bé lớn im lang, hiểu chuyện, nép cạnh ngồi sau mẹ. Viên nhăn mày, nhích người qua.
- Cảm ơn cậu.
Viên không nói gì, lấy mớ dây tai nghe rối ren và đeo vào. Một phần, hắn không thích vướng vào những cuộc trò chuyện vô nghĩa. Và hắn nghĩ thế này: Mọi phiền muộn của loài người đều bắt nguồn từ những mối quan hệ. Phần khác, Viên không thích ồn ào, và trẻ con. Đặc biệt là tiếng khóc – vì nước mắt yếu đuối, và nhu nhược. Nhưng, còn khi nào còn khóc là còn sống. Còn hắn, vài năm rồi, chẳng còn biết vị của nó nữa. Chắc bởi vậy, cái ghét kia có khi bắt nguồn từ một sự hiềm khích nào đó – chẳng hạn như ghét những thứ mình không có được.
Hắn tỉnh dậy. Xe sắp tới nơi. Nắng xuyên qua lớp kính, xuyên qua rèm xanh thẫm, chiếu lên mặt Viên. Nắng hoàng hôn giờ mỏng, nhưng đầy mật. Và ngoài kia, những cây cao su cao hơn chục mét, những chiếc lá hình như đậm vị xanh hơn trước nắng ngọt. Nắng rót vào thân cây, phân ra những đốt sáng tối như ngón tay đứa trẻ. Cả một rừng lấp lánh bàng bạc. Hắn nhíu mắt lại: Chói quá.
Xe chạy chầm chậm rồi dừng lại hẳn ở thị trấn. Len qua đám người ồn ào, Viên bước đi lếch thếch bằng đôi giày vẫn còn ẩm ướt vì cơn mưa buổi sáng. Nhà hắn nằm trong con đường sâu hút, ít nhất là theo trí nhớ của hắn. Hắn cứ đi vậy, đi lang thang như người mất hồn. Chẳng biết do mệt, hay vì những kí ức thuở trước bủa vây trong thâm tâm.
Bấy giờ, đường vắng, bà con vẫn đang làm rẫy chưa về. Căn nhà cũ quen thuộc hiện ra trong tầm mắt. Căn nhà vách gỗ xiêu vẹo. Kể từ ngày Viên đi, không thay đổi gì cả, chỉ phủi một lớp bụi dày tren mọi đồ vật. Hắn để bừa chiếc túi trên bàn, rồi nằm phịch lên cái giường gỗ nhỏ, mặc kệ bụi lớp lớp. Nặng quá. Hắn về rồi, nhưng lòng nặng quá. Chẳng còn gì nữa, chẳng còn thiết tha. Đêm nay, lại là một đêm dài.
Sáng, ráo hoảnh và trời thoáng đãng. Mây dệt mỏng, phết lên nền trời trắng dịu. Viên ngồi trên thềm, tóc rủ xuống, lưng tựa vào cửa. Mắt mệt mỏi và thâm quầng, đờ đẫn. Và hắn cứ ngồi đó, chẳng biết đi đâu, về đâu, làm gì.
Hình như đâu đó, tiếng đinh puốt cất lên cao vút. Và không hiểu sao, hắn bước, hắn đi như ai gọi. Tiếng đinh puốt mộc, thanh như lá rừng Tây Nguyên, trong trẻo như nước ngầm. Đinh puốt vút lên như gọi mời, gọi ở trong tâm khản hắn. Lúc nhanh, lúc chậm rãi, lúc trầm, lúc bổng, kéo hắn đi như người mộng du. Cảnh trước mắt đẹp và thơ quá. Nắng mới lên, ngập trong khu rừng. Dòng nước ngầm trong trẻo nơi núi cao âm ỉ chảy xuyên thấm trong linh hồn vạn vật, như mạch sống của muôn loài. Vạn nghìn chiếc lá xanh mơn mởn trong nắng long lanh. Trong nắng sớm, bóng lá đổ xuống từng thớ đất bazan đỏ ngọt, in xuống nghìn nét mảnh như cánh bướm. Cả khu rừng rời rợi sắc xanh của cây rừng, và trong trẻo bởi dòng nước mát lạnh, trong vắt, và thánh thót bởi âm thanh chảy ra từ ống tre xuống tảng đá, miếng gỗ róc rách. Và hắn say trong hương cỏ, cây, và cả gió, miên man và đứng ngẩn ở bìa rừng trước cảnh sắc tuyệt đẹp.
Một bóng người xuất hiện. Nhỏ nhắn, da bánh mật, mái tóc tơ ánh nâu. Là một thằng bé độ bảy, tám tuổi. Nó tiến lại gần bến nước, bước từng bước chậm rãi, nhưng mắt lại hơi ngước lên trời, như chú tâm một cái gì đó. Phía trước là những tảng đá trơn. Viên ngó lơ, nhưng rồi, không hiểu thế lực nào khiến hắn bật ra thành tiếng:
- Đá trơn.
Phải, hắn hiểu rõ hơn ai hết. Ngày trước đi chơi cùng đám trẻ trong buôn, hắn thích bến nước này lắm. Lũ trẻ rong ruổi trên những con dốc đầy bùn đất, nghịch ngợm xong xuôi thì ra bến nước rửa sạch tay chân để giấu bố mẹ. Nhưng một lần, vì bất cẩn mà hắn ngã tóe máu, sợ gần chet.
Thằng bé quay về phía nào đó, nhoẻn miệng cười:
- Em nhớ rõ lắm, em thuộc lòng từng ngọn cỏ và ngóc ngách ở đây cơ. Anh yên tâm.
Nó khéo léo bước lên từng tảng đá tròn, và rồi xòe bàn tay bé xíu, hứng dòng nước mát từ ống tre nhỏ, nâng niu, cẩn thận, uống từng ngụm nhỏ.
- Mát lắm, anh uống không?
Hắn nhìn, chả nói gì. Thằng bé tần ngần, uống thêm vài ngụm, rồi chậm rãi gieo từng bước trở về nền đất.
- Nghe giọng anh khác quá. Anh mới đến đây đúng không?
Vẫn im lặng.
- Tây Nguyên đẹp anh nhỉ. Và người cũng đẹp nữa. Đẹp lắm.
Hắn vẫn không nói gì, nhưng lần này hắn im lặng là để lắng nghe và quan sát thằng bé nhỏ.
- Anh thông cảm, mắt em không còn nhìn được lâu lắm rồi, nên không thấy anh ở đâu, nên chỉ biết đứng ở đây nói, chẳng biết anh có nghe được không.
- Tôi có nghe, từ nãy tới giờ.
Viên bước lững thững tới gần thằng bé, ngồi cạnh bên nó, trả lời rồi ngồi im như thế. Lặng một lúc, hắn hỏi:
- Theo em, đẹp ở đâu?
- Tuy em không nhìn thấy nữa thôi, nhưng em vẫn cảm nhận đẹp. Nắng đậm và trên trời cao chim hót, tiếng hát của bà con trong buôn này, và cả tiếng của những chiếc lá va vào nhau xào xạc khi gió rừng tới. Và con người thì tốt lắm, chẳng bỏ lại một ai, ôm trọn tất cả, bao dung tất cả.
Ừ, hắn vỡ lẽ điều mà mình quên bấy lâu, điều mà kể cả một đứa trẻ còn hiểu rõ: Những gì quý giá nhất thì không chỉ thể nhìn bằng mắt thường. Và bao năm rồi, hắn đánh rơi mất bao điều quý giá, hắn chợt nhớ và thấm quá về lời nhà thơ Pháp Francois Coppee: Người ta chỉ xấu xa, hư hỏng trước đôi mắt ráo hoảnh của phường ích kỷ. Và nước mắt là tấm kính làm biến hình vũ trụ.
- Ừ, đẹp.
Và hắn cứ ngồi im như thế, nghe thằng bé nói đủ điều, và hắn cũng đáp lại vài ba câu. Tiếng trẻ nhỏ ríu rít, mộc mạc, vớt vát tâm hồn người thanh niên lạc lõng, kéo ra khỏi vũng bùn lầy đang dần gặm nhấm sự sống của Viên. Hắn thấy hồn mình thay đổi gì đó, rõ rệt lắm, nhưng không nói thành lời được.
Lúc này, nắng đang hạ dần, ươm vào đất. Giờ này, những đứa trẻ theo mẹ đi lấy nước, vui đùa rộn ràng và những cô gái tóc búi tó, duyên dáng đẹp như đóa hoa pơ lang cười khúc khích. Tiếng hát ngân vang từ những bà mẹ địu con lên rẫy:
Cha đi lượm quả ngọt rừng, cho con đơ đói qua đêm.
Cha đi lượm hạt thóc, cho con một bát cơm chiều
Tiếng hát hay là linh hồn của rừng núi đang cất lên? Tiếng hát ôm trọn rừng núi, quyện vào nhịp chày giã gạo cứ thậm thình, đều đều, khỏe khoắn của các chị, các mẹ. Lúc này, một người phụ nữ đầu đội nón duôn bai, trên làn da nâu đỏ ửng, vài giọt mồ hôi lấm tấm tiến sát lại gần hắn, gọi thằng bé bên cạnh về làm cơm.
Và hình như mắt bà sáng lên khi càng tiến lại chỗ han:
- Viên! Viên đây mà! Sao giờ mới về buôn! Anh chị và các bác nhớ mày lắm!
Người đàn bà đó là bà Mai, bạn thân thuở xưa của mẹ hắn. Hắn còn nhớ rõ về những lần đi xuống nhà bà hái rau dớn, những buổi tối trong buôn quanh bếp lửa và kể chuyện. Bây giờ, bà thay đổi ít nhiều, những nếp nhăn trên khuôn mặt, nhưng hắn thấy thân thuộc lắm.
- Con chào bác.
Hắn đứng dậy, và cúi đầu lễ phép. Bà Mai nhất quyết mời hắn đến nhà ăn một bữa cho bằng được. Hắn cũng thuận theo. Nhà bà Mai nghèo, có hai người con, một đứa bị mù, đứa còn lại chết yểu. Bởi vậy mà có thêm hắn đến bữa cơm, bà Mai vui lắm. Đến trưa thì ông Phôn, chồng bà Mai về, tay xách một gùi cá nhỏ. Cả gian nhà chật hẹp, chắc vì vậy mà Viên thấy ấm. Ánh nắng chiếu qua vài lỗ thủng trên mái nhà thành những vệt sáng in lên sàn. Bữa cơm đơn giản, và bốn người ngồi quanh cái mẹt với món lá sắn vò nát nau cá suối. Cơm độn khoai đựng trong nồi đất nung, nhưng thơm phức. Mớ lá é rửa sạch, giã với muối hạt, với ớt, và một bát canh cà đắng. Bà Mai gắp miếng cá bỏ vào bát của Viên:
- Lâu lắm rồi thằng Viên mới tới chơi. Mày lên trên đó rồi gầy rộc, da trắng mà xanh xao quá. Mày ăn nhiều vào, chứ tao cũng xót lắm.
Viên nhận lấy, và hắn ăn ngon lành. Bát cơm sắn tự dưng thơm, và bùi quá. Hắn cứ im ỉm ăn và nghe nhà kể chuyện. Hắn thấy họ cười, nụ cười hiền hậu mà chân chất. Và hắn thấy ấm áp quá. Ché rượu cần cay, nồng, vị ngọt của nếp hương quyện vị men của cây lá núi. Lâu lắm rồi, hắn ăn tận ba chén cơm.
- Khó khăn quá thì về đây, không có tiền cũng về đây, có lá có rau của rừng, cá của suối. Nơi này luôn chờ mày. Và hai bác thì mong mày ở đây mãi thôi. Vì những đứa con Tây Nguyên cứ lớn, rồi dần bỏ đi mãi. Cuối cùng thì nó chỉ còn trẻ nhỏ người già. - Sau bữa cơm, ông Phôn nói thế.
Giữa trưa nắng, khi mọi người trong nhà đang nghỉ ngơi, Viên lẳng lặng vào rừng, rồi mang đầy những lá dừa nước, lá cọ, chỉ xỏ lạt, tre trúc, hì hục cả trưa tới tận chiều tối để lợp lại mái cho bác Mai. Xong xuôi đâu vào đó, hắn vội sửa soạn về. Cả hai vợ chồng bà Mai đi làm chưa về, chỉ còn thằng nhỏ ở nhà, lúc này nó hỏi:
- Sao anh về sớm thế. Khi nào anh đi?
- Mai. - Hắn nói thế, nhưng nói tiếp. - Lần sau tôi vào.
Thằng bé cười, và má phúng phính đỏ ửng. Còn hắn, hắn cũng trở về nhà. Xếp gọn đồ, quét căn nhà bụi vương, vương cả kỉ niệm. Phải, bố mẹ hắn người Kinh, nhưng vào Tây Nguyên, vì yêu Tây Nguyên, muốn sống và cống hiến toàn bộ cho mảnh đất này, ngày đêm cõng chữ lên dạy bọn trẻ. Tây Nguyên chưa bao giờ ngủ, chưa bao giờ mệt mỏi, chưa bao giờ hết thiêng liêng và đằm thắm tình sắc. Thế mà hắn quên mất, Tây Nguyên đã ưu ai hắn từ thuở sinh ra và trưởng thành.
Đêm ấy, hắn ngủ một giấc dài, không mộng mị, nhưng khóe mắt ươn ướt. Tâm hồn Viên tưởng đã tàn lụi bởi giông tố cuộc đời bỗng nhiên tỉnh giấc trong cơn mê dài, như mầm cây èo uột giờ đây đang tìm cho mình một lối để vươn lên. Trời ửng hồng, và bình minh ló rạng. Trong cơn say nồng kia, hình như hắn ý thức, về việc mình phải làm, và chắc chắn sẽ làm.
Vũ Ngọc Huyền
Trại sinh Trại bồi dưỡng sáng tác Hương Rừng năm 2022
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0