Tác phẩm đạt giải Truyện ngắn viết về vùng đất cảm xúc cuộc thi sáng tác văn xuôi chủ đề "Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk - Những chặng đường phát triển" năm 2023.
Ảnh minh hoạ
Tôi chưa từng mơ thấy Tấn. Chưa từng một lần nào kể từ ngày anh rời xa.
Nhưng những điều anh kể lúc nào cũng vang lên trong đầu tôi, đều đặn. Từng chữ một được khắc sâu. Như thể trí nhớ của tôi là một khối gỗ đặc cứng rắn, đen nhánh, Tấn đã cầm rìu tạc lên từng chữ một cách nhẫn nại và tỉ mỉ. Anh còn cẩn thận gạt hết lớp vụn bào, bụi gỗ, chỉ để lại những dòng chữ tươi ròng, lấp lánh.
Tôi nghĩ, có lẽ chính những điều anh khắc vào trí óc tôi mỗi ngày trong suốt năm năm trời xa cách đã kéo tôi dậy, đưa tôi đến với phố núi mà anh ví như một chiếc phin cà phê khổng lồ, thơm đắng. Mỗi một người sống trong lòng phố là một hạt bột mịn, chắt xuống đời những giọt sóng sánh đủ cả hương lẫn vị đầy quyến rũ. Tấn đã chắt cả đời mình, giờ đến tôi. Tôi muốn gần anh thêm một chút, muốn sống những ngày anh đã sống ở nơi anh đã gắn bó, dù nỗi đau chưa kết vảy, còn tấy buốt trong lồng ngực.
Từ đêm đầu tiên đặt chân đến nơi này, tôi mơ một giấc mơ kỳ lạ. Giấc mơ lặp đi lặp lại vào quãng gần sáng. Mỗi đêm. Hệt như một điệp khúc. Vệt xanh thẫm mờ ảo trong sương. Những tiếng nói mờ ảo lúc xa, lúc gần. Tiếng nổ đanh gọn lẩn khuất trong hư ảo. Tỉnh giấc. Tôi ra hiên nhà ngồi. Những bức tượng gỗ trên mảnh sân nhỏ, đứng, ngồi, chống cằm suy tuy. Từng thớ thịt trên cánh tay, vầng trán, khuôn mặt tượng cuồn cuộn những nghĩ suy khắc khoải. Chẳng biết nhìn gì, tìm gì mà ánh mắt tượng mông mênh xa xôi.
Quãng ấy, người đàn ông bên nhà hàng xóm cũng thức dậy, tựa lưng vào hàng rào gỗ, đăm đắm nhìn vào khoảng không sương buông trước mặt, lặng im như một pho tượng. Ban ngày, tôi chẳng bao giờ nhìn thấy, có lẽ anh ta bận đi làm. Từ lúc tôi lên, nhà hàng xóm lúc nào cũng im ỉm khóa. Chị H’Len bảo, nhà đã bán, ít nữa được ngày, chủ mới đến làm lễ động thổ xây quán cà phê. Chắc người đàn ông là chủ cũ của căn nhà, nán lại ít ngày, ôn lại những kỷ niệm xưa cũ trước khi nó bị dỡ bỏ.
Ngày Tấn nhận quyết định công tác, anh háo hức hệt như một đứa trẻ. Anh bảo, chắc hẳn phải có một lý do gì đấy mới có thể dẫn đến sự trùng hợp này. Mối duyên với mảnh đất Buôn Ma Thuột đã được ông cố anh khai mở. Một đêm nào đấy chưa xa lắm, giữa tiếng mưa cao nguyên rì rầm mang lời sử thi hòa vào đất, anh kể cho tôi nghe chuyện về người tìm ra lỗ đất Adreh*. Anh bảo, ông cố cũng tìm ra một con đường và dẫn lối cho anh. Tôi nhớ Tấn, tự hỏi không biết anh đã tìm thấy ông, đã thực hiện được nguyện vọng mà bà cố trước lúc nhắm mắt xuôi tay dặn dò ông nội anh, ông nội anh lại dặn lại cha anh, cha anh kể lại cho anh từ ngày anh mới học những chữ cái đầu tiên. Nguyện ước cuối cùng của bà cố như ngọn lửa âm ỉ cứ ủ mãi trong than hồng, chẳng bao giờ tắt. Ông cố Tấn đã nằm lại ở mảnh đất này, từ ngày ông nội anh còn chưa biết cất tiếng gọi cha. Ông đã hòa vào đất, vào sông, vào suối, hòa vào những câu chuyện bên bếp lửa của đồng bào nơi này. Có lẽ vậy.
Tôi thích nghe câu chuyện về những vùng đất mới, về người dân sinh sống ở những nơi ấy. Tấn biết, nên cuộc gọi nào, lá thư nào anh cũng kể cho tôi nghe về phố núi nơi anh sống. Vùng đất của cà phê. Hiện đại mà vẫn níu giữ hồn cốt của núi rừng, của những người bản địa đầu tiên khai phá ra vùng đất này. Những bức tượng gỗ được lột ra từ những gốc cây chứa đầy trầm tích thời gian và triết lý nhân sinh hồn nhiên mà sâu sắc. Chỉ bằng ấy nét phác họa của Tấn đã đủ gợi lên trong tôi những tò mò, háo hức. Nhất định em sẽ chuyển lên trên ấy, cùng anh. Chỉ một tiếng ừ được truyền đi bằng sóng điện thoại, tôi thấy nụ cười của Tấn dịu dàng, ấm áp. Tôi biết nhớ mảnh đất mình chưa từng đến, chỉ bởi nơi ấy có người tôi yêu.
- Chỗ ấy ngày xưa là rừng. Đêm nào cũng nghe tiếng cọp gầm chờ ăn xác người.
Người đàn ông ngồi tựa người vào hàng rào gỗ bất ngờ lên tiếng. Giọng trong và lạnh như sương. Trăng khuya tãi ánh sáng ướt vai áo tạo thành những vệt loang loáng. Tôi không nhìn rõ mặt. Chỉ thấy đó là một người còn khá trẻ, chắc độ chừng ba mươi. Nước da mỏng và trong suốt như thể trăng đã xuyên qua đấy và hắt ngược ánh sáng lên. Chẳng biết có phải nói với tôi không. Tôi không biết đáp lời như thế nào. Người đàn ông dường như cũng chẳng quan tâm. Cằm tựa vào gối, người đàn ông lại bất động như một pho tượng tạc hình dáng bào thai.
Giọng người đàn ông trong và lạnh. Tự nhiên, tôi thèm một ánh lửa, thèm được hít hà mùi khói tỏa ra từ đống lửa cứ âm ỉ cháy giữa nhà dài từ đêm này qua đêm khác không bao giờ tắt. Giá có thể ướp mình vào khói, khơi dậy ngọn lửa dường như đã nguội ngúm trong lòng mình, hơ vết thương bằng lửa ấm, tiệt trùng những chỗ bấy bá, rách toạc cho kéo da non. Ánh lửa ấm như vòng tay của Tấn.
Những đêm nằm trong phòng trọ giữa thành phố đông đúc, ồn ào, nghe những âm thanh nói cười rót vào tai mà chẳng hiểu gì. Không thể khóc dù lòng quặn lên như bị cứa khi cái ý nghĩ chẳng còn một ai chờ đợi mình, mình cũng chẳng biết bước tiếp đến ngày mai làm gì. Tất cả những dự định, hẹn ước chỉ một chút nữa thôi là chạm tay đến bỗng vụt biến mất. Tôi đã có ý nghĩ hay mình kết thúc tất cả. Những âm thanh ồn ã này, những tiếng cười nói này, những kỷ niệm này, những nhớ thương này. Chỉ một tích tắc thôi, khi lưỡi dao rạch ngang cổ tay, khi nắm thuốc trôi qua họng và nằm im trong dạ dày, hay một sợi dây dài vòng qua cổ. Nhưng rồi trong khoảnh khắc, ánh mắt của Tấn trên tấm hình chụp chung hai đứa tôi lồng khung để trên bàn như có lửa. Ngọn lửa thấu suốt xuyên thẳng vào tâm can tôi. Sau bao ngày chẳng cần gì và muốn gì, tôi gượng dậy. Tôi muốn đi tìm ngọn lửa của Tấn. Chị H’Len đưa tôi lên phố núi.
Năm thứ ba từ ngày nhận quyết định công tác, Tấn bảo, Tây Nguyên bỏ bùa anh rồi, phố núi bỏ bùa anh rồi. Người Tây Nguyên, trong lòng ai cũng có một ngọn lửa âm ỉ cháy. Một ngọn lửa tinh khiết và hoang dại. An ơi! Những ngọn lửa thanh khiết ấy khiến anh chỉ muốn ở lại mãi nơi này. Em sẽ lên cùng anh, đúng không An? Anh mơ thấy ông cố. Ông chẳng có tấm ảnh nào để lại. Cả nhà chỉ biết ông qua lời kể bà cố kể cho ông nội, ông nội kể cho bố, bố kể lại cho anh. Nhưng anh tin đấy là ông cố. Ông chẳng nói gì, chỉ nhìn anh mỉm cười. Rồi ông vụt biến thành ngọn lửa dẫn đường cho anh trong những đêm mưa rừng dầm dề, những ngày hoang mang không biết mình cần phải làm gì tiếp theo. Anh chưa tìm được ông nhưng thấy mình gần ông biết bao nhiêu.
Chẳng có ai tự nhiên mạnh mẽ. Cũng chẳng có gì tự nhiên thành máu thịt. Sau những háo hức ban đầu, Tấn không che giấu sự chán nản, buồn bã. Thành phố nhỏ xa lạ. Công việc mới mẻ, khó khăn. Chưa biết tiếng, chưa hiểu phong tục tập quán. Tấn thấy mình đơn độc và nhỏ bé. Nhất là mùa mưa đầu tiên của anh nơi phố núi. Những cơn mưa dai dẳng đến sốt ruột, người như muốn mốc cả lên. Anh chỉ muốn ngay lập tức trở về, mặc kệ mọi thứ muốn ra sao thì ra. Tấn lăn ra ốm. Cơn sốt quật ngã anh. Nằm một mình trong nhà trọ mà ứa nước mắt. Người mẹ hàng xóm cả ngày không thấy Tấn nên lo lắng, vội chạy sang xem. Nắm lá xông bà nấu đã giúp anh khỏi bệnh. Ngọn lửa ấm nhen lên trong lòng anh từ giây phút ấy.
Tấn kể những ngày mưa rừng nằm ở địa bàn, ăn ở trong nhà một cụ già người Ê đê. Cụ già từ sáng đến tối ngồi bên bếp lửa. Lửa nhuộm da cụ đỏ au, hơn tám chục tuổi mà mắt vẫn tinh, sáng như lửa cháy. Lúc nào cũng thấy cụ ngồi như thế, không cần ăn uống gì. Nhưng chỉ cần rời lửa là sẽ gục ngã. Đúng như vậy thật. Cụ đã từng được con đón lên ở cùng mình. Ngày ngày giam mình trong bốn bức tường, cụ đổ bệnh, lúc nào cũng mê man, lơ mơ, chậm chạp. Thuốc bổ, đủ các loại sâm, yến vẫn không làm tình hình khá lên. Bác sĩ không khám ra bệnh. Cho đến khi cụ bảo cho cụ về lại nhà cũ, có thành ma cụ cũng muốn thành ma trong căn nhà ấy. Vậy mà về nhà, đốt lửa, cụ khỏe mạnh như thường. Cụ không xa được lửa. Anh con trai thương bố đã quyết định chuyển về, mua đất ở bon cổ nằm giữa thành phố Buôn Ma Thuột, dựng một căn nhà y hệt như căn nhà cũ, đốt lửa giữa sàn đón bố lên để vừa có thể làm việc, vừa có thể chăm sóc bố. Da anh giờ cũng đỏ au màu lửa nhuộm, giọng anh sang sảng, nồng nhiệt như lửa. Anh đầu tư vốn mở xưởng rang ray cà phê. Cà phê nhà anh thơm nồng mùi bếp củi lửa ấm.
Tôi tin Tấn. Tôi đã nhìn thấy ngọn lửa cháy trong chị H’Len và các con của chị.
H’Len thương tôi như thương đứa em gái khờ dại, thương gộp cả phần của Tấn. Khi tôi đang trôi đi trong miền sương phủ trắng nỗi đau, ngọn lửa từ đôi mắt Tấn và tiếng gõ cửa của chị đã kéo tôi lại. Chị nhìn chiếc khăn voan màu trắng rơi trên nền gạch hoa phòng trọ xỉn màu, ôm lấy tôi, vuốt tóc tôi. Vòng tay chị ấm sực. Mùi nắng cháy trên da chị hầm hập như lửa. Lần đầu tiên kể từ ngày Tấn rời xa, tôi bật khóc trên vai chị. Những viên thuốc an thần, những viên thuốc ức chế căn bệnh trầm cảm tôi đều đặn uống mỗi ngày không thể khiến cho nỗi đau tích tụ từng phút, từng giây bung ra được. Tôi nghe tiếng nước mắt mình cháy xèo xèo trong lòng bàn tay chị.
H’Len bảo, đêm ấy không hiểu sao chị chẳng thể nào ngủ được. Trận mưa đầu mùa như muốn cuốn trôi tất cả những nắng nóng, bụi bặm của mấy tháng trời mùa khô tích tụ mà trong lòng như có ngọn lửa bừng bừng đốt cháy cả trảng cỏ tranh khô. Trong tiếng mưa, tiếng gió, chị còn nghe thấy cả giọng Tấn. Tấn khẩn cầu chị chăm sóc An giúp em với. Mặc mưa gió, chị đặt chuyến xe sớm nhất trong ngày xuống đón tôi về nhà với mẹ con chị.
Căn nhà nhỏ của chị H’Len nằm trong một con hẻm nhỏ của thành phố Buôn Ma Thuột, cách không xa lắm buôn Acoh Dhông. Chị dệt thổ cẩm. H’Mi, con gái lớn của chị may thành những chiếc Ao mniê, váy tấm, những Ao êkei, Ao kok. H’Mi còn đi may những tấm thổ cẩm thành áo dài, thành váy cưới cô dâu khi có khách đặt. Nhưng những chiếc váy ấy, H’Mi không bao giờ cho tôi xem. Con bé sợ tôi buồn.
H’Mi từng ở với tôi gần một năm. Cô bé ngoan ngoãn, hiền lành, chăm chỉ và khéo tay ấy suýt chút nữa đã không được về với mẹ, với em. Vì nóng lòng muốn kiếm tiền giúp mẹ mà H’Mi bị kẻ xấu dụ dỗ bán sang Campuchia làm “việc nhẹ lương cao”. Tấn cùng đồng đội đã cứu cô bé. Ngày mới được cứu, cô bé ngơ ngác, câm lặng, suốt ngày giam mình trong căn buồng kín chẳng muốn nói chuyện với ai. Chị H’Len thương con muốn phát điên. Tấn không đành lòng nhìn cô bé mới mười sáu tuổi tự nhốt mình trong những dằn vặt, sợ hãi, không đành lòng nhìn người mẹ tự trách bản thân khiến con gái rơi vào tay kẻ xấu. Tấn gửi H’Mi xuống ở cùng tôi để cô bé đi học may. H’Mi dần nguôi ngoai. Sản phẩm đầu tiên, cô bé may tặng tôi một bộ váy thổ cẩm “để lúc nào cô với chú Tấn chụp ảnh cưới”. Bộ đồ ấy giờ cất sâu dưới ngăn va-li, tôi không dám chạm vào, sợ chạm phải, những bỏng rẫy sẽ khiến lòng mình bốc cháy.
Tôi đã sắp xếp hết tất cả mọi thứ để thực hiện lời hứa với Tấn. Tôi chuẩn bị lên cùng anh, thuê đất mở một quán cà phê nho nhỏ. Quán cà phê mang hồn người Tây Nguyên với những bậc cầu thang chạm khắc hoa văn mang khát vọng về sự no đủ, hạnh phúc, cánh cửa gỗ mộc khắc con thằn lằn gỗ biểu trưng cho thần Lửa. Những ngọn lửa ấm không bao giờ tắt, sưởi ấm người suốt từ thủa hồng hoang, nguyên thủy. Quán sẽ dành một góc để treo những tấm thổ cẩm chị H’Len dệt. Sẽ đặt những bức tượng gỗ suy tư với ánh mắt tìm kiếm cõi khôn cùng. Và Tấn sẽ đưa tôi đến Acoh Dhông, ngồi ở nhà dài, nghe Ama hát kể sử thi. Để xem, tôi sẽ yêu ánh lửa trong đêm sử thi chẳng kém Tấn bao nhiêu.
Tôi nhìn người đàn ông cuộn mình bên hàng rào gỗ, ước gì mình có thể hóa thành tượng.
Y Tâm, cậu con trai út của chị H’Len đã kể cho tôi nghe truyền thuyết về những pho tượng gỗ. Từ xưa lắm, ở một buôn nọ, có người con gái nổi tiếng xinh đẹp, siêng năng, khéo tay lại hát hay, múa khéo nhất vùng. Nàng cất tiếng hát, cá dưới suối ngừng bơi. Nàng xòe tay múa, thú trong rừng ngừng chạy. Nhiều chàng trai trong vùng thầm yêu, trộm nhớ nàng. Nhưng chẳng may nàng mất đột ngột. Ngày nàng mất, cây cối trong rừng rũ lá, muông thú trong rừng gầm rú than khóc suốt cả đêm. Có một chàng trai vì quá đau buồn nên đã ngồi khóc bên mộ nàng. Chàng khóc từ lúc mặt trời lên cho đến khi trăng tàn, nước mắt chàng khiến dòng suối dâng cao như mùa mưa xối. Khóc mãi, khóc mãi, chàng hóa thành tượng gỗ ngồi canh giữ và trò chuyện với người con gái chàng thương thầm hàng ngày.
Gió đêm lành lạnh. Trăng treo cao tít trên đỉnh trời. Dưới ánh trăng, những pho tượng Y Tâm lột ra từ những mảnh gỗ cụ bỗng như sống dậy. Tượng những đứa trẻ đang ngồi. Tượng chàng thanh niên cầm ná. Tượng người mẹ địu con trước ngực, sau lưng gùi măng rừng, đọt mây. Tượng người đánh chiêng, đánh trống. Tượng con voi, con cú. Và cả những người ngồi ôm gối, co ro như một bào thai. Tượng như nghe thấy những mong ước của tôi, đưa cặp mắt gỗ ngước nhìn. Những đôi mắt như sương đêm đọng trên lá, như nước mắt chắt từ lòng đất, như mưa rừng từ thủa cội nguồn nhìn tôi muốn hỏi, sao không được thành người mà lại mang kiếp tượng, chỉ có thể lặng im chứng kiến những nỗi đau.
Y Tâm chẳng học hành qua trường lớp nào. Ngày cậu đi làm rẫy. Cậu tỉ mẩn với từng gốc cà phê, từng gốc tiêu. Tóc cậu cháy nắng khét lẹt để đổi những trai cà phê, trái tiêu chín mọng. Cậu làm quần quật, để dành cho H’Mi bắt chồng. Cả ngày phơi lưng trên rẫy,tối về, cậu như hóa thân thành một người khác. Như có một nghệ sĩ Y Tâm sống trong cậu, chờ đêm tối mới thức giấc. Chỉ một chiếc rìu, đôi bàn tay đầy những nốt chai sần, những khúc gỗ cũ vốn là cọc trồng tiêu cậu mua lại khi người ta chuyển qua dùng cọc đúc bằng bê tông, cậu cứu những cọc gỗ ấy khỏi kiếp thành củi nhóm bếp, thổi hồn chúng tái sinh thành những bức tượng. Nhiều người hỏi mua mà cậu không bán, cậu chỉ tặng lại cho những ai thật sự cần. Những người đến xin tượng của Y Tâm nói rằng, người làm tượng phải có cái bụng tốt, đôi mắt sáng trong mới đưa được bức tượng ẩn giấu trong thân gỗ ra ngoài. Dù mảnh gỗ ấy mới được hạ từ một thân cây hay là mảnh gỗ cũ kỹ đã trải qua bao nhiêu mưa nắng vùi dập, đôi mắt sáng của người làm tượng cũng sẽ nhìn thấy, dùng rìu mà lôi nó ra. Tôi hay ngồi nhìn Y Tâm làm tượng. Y Tâm không cản, chỉ dặn tôi lúc cậu làm nhất quyết không được nói gì cho đến lúc cậu làm xong. Ngày tôi lên, cậu tạc cho tôi một bức tượng nhỏ. Bức tượng một người con gái có đôi mắt buồn. Cậu bảo, chắc chắn đến một ngày tôi sẽ thấy cần bức tượng ấy. Tôi không đáp, cũng chẳng từ chối. Từ đâu đó trong sâu thẳm lòng mình, tôi cũng tin rằng sẽ đến ngày tôi cần bức tượng ấy.
Người đàn ông bên hàng xóm bỗng đứng dậy. Những bước chân khẽ khàng in lên mặt đất, tưởng như một cơn gió mạnh thổi qua cũng có thể cuốn anh ta đi mất. Anh ta đưa tay chạm vào hàng rào, rờ rẫm từng chiếc lá. Chắc anh ta đang gửi lời chào tạm biệt. Gió cuốn xoáy những lời thốt ra từ đôi môi bạc phếch ánh trăng, cuốn vào tai tôi như lốc xoáy.
Tôi nhắm mắt, để những từ ngữ Tấn khắc trong đầu tôi chầm chậm lướt qua quyện vào với những điều người đàn ông kỳ lạ đang nhắc tới.
Ama như một ông tiên, một ông bụt giáng xuống từ thăm thẳm cao xanh, tóc trắng bạc phơ, râu dài đến ngực. Ama cầm ống điếu dài bịt đồng, nằm trên kpan, gối đầu lên gối cao. Chiếc kpan lớn được tạc từ một khối gỗ, vật thiêng nhất trong nhà dài. Người già, người trẻ, đàn ông, đàn bà, con trai, con gái ngồi bốn bên xung quanh kpan, bên đống lửa nhỏ và ché rượu cần, để mặc hồn đắm mình trong giọng kể của Ama. Sử thi từ trong lồng ngực Ama, trong trí óc Ama, trong máu của Ama cuồn cuộn tuôn chảy, hiện lên trong ánh lửa bập bùng, sống động đến mức có thể đưa tay ra mà sờ thấy được.
Rồi đêm tàn bên bếp lửa. Chẳng biết say sử thi hay say men rượu cần, tất cả đều lặng im. Lặng im đến độ anh còn nghe được tiếng máu chảy rần rật trong từng tế bào của mình An ạ. Câu chuyện của Ama cũng tan vào sự im lặng thăm thẳm ấy. Bếp lửa không còn bốc lên mà ủ lửa vào lòng mình. Anh tưởng như mình cũng hòa tan vào khói và được ủ trong lòng bếp. Những hoang mang trong lòng anh cũng tan biến theo bình minh lên. Những kẻ xấu vẫn đang náu mình trong những buôn làng, những cánh rừng, giấu mình trong những căn nhà im ỉm khóa trong thành phố. Nhưng chúng chẳng thể nào trốn mãi được. Chúng sẽ chẳng thể nào bám mãi vào quá khứ, vào nỗi sợ hãi tín ngưỡng truyền lại từ tổ tiên để lừa bịp mọi người, kích động mọi người. Chúng bảo văn hóa truyền thống của người bản địa đang bị những kẻ xâm chiếm biến thành công cụ kinh doanh. Chúng đã sai rồi. Lỗ đất Adreh mới đã mở ra rồi. Chẳng chiếc sừng trâu nào có thể bít kín được.
Tôi mặc thử bộ đồ H’Mi may, chụp ảnh gửi Tấn, nhắn em muốn mặc đồ thổ cẩm chụp ảnh cưới nhé. Chỉ còn vài tháng nữa thôi. Lúc ấy, mùa hoa cà phê bung trắng muốt những vạt đồi.
Chị H’Len đã nhờ người tìm giúp tôi mặt bằng mở quán. Quán nhỏ hai tầng bằng gỗ, nép mình dưới tán cây xanh mát dịu dàng.
Nhưng Tấn của tôi không về nữa. Tội ác giấu mình trong đêm huyền bí giữa rừng già. Những vệt máu loang trong bình minh chưa kịp xua sương mù, nhuộm đỏ cả một vùng trời đỏ bầm tức tưởi. Cuộc tấn công bất ngờ cướp Tấn rời xa tôi mãi mãi. Anh đã kịp rút lui trước sự hung hãn của nhóm người manh động nhưng quay lại chắn cho một người dân vô tội. Cậu thanh niên sau cuộc mưu sinh nhọc nhằn suốt đêm vội vã trở về nhà, không may gặp lũ quỷ dữ bị những lời lôi kéo sai trái làm cho mờ mắt. Chẳng cần phân biệt đúng sai, chỉ cần gặp ai trên đường chúng đều sát hại. Nhờ tấn, cậu thanh niên kịp chạy vào rẫy cà phê trốn thoát. Tôi mất Tấn. Những vết thương sâu hoắm trên ngực anh như sát vào lòng tôi những vết buốt nhói chẳng biết đến bao giờ mới có thể lành.
Ngày tiễn anh cùng đồng đội về đất mẹ, nhìn những khuôn mặt xa lạ nghẹn ngào nước mắt, tôi ngơ ngác. Tôi ước gì mình giống như người con trai trong truyền thuyết, nỗi đau khiến mình hóa thành tượng, bên cạnh anh mãi.
Người dân nấu cơm, đun nước, pha trà tiếp tế cho đồng đội anh vây bắt kẻ thủ ác đang lẩn trốn, lôi chúng ra ánh sáng để chịu tội. Người Tây Nguyên đã không còn nghe những lời dụ dỗ, đã cao lớn mạnh mẽ, đã thoát ra khỏi những sợ hãi ngàn đời.
Lỗ đất Adreh mới đã mở. Chẳng có sừng trâu vít lối. Tôi đợi mãi, chẳng thấy Tấn đi qua lỗ đất ấy, mỉm cười. Thành phố cao nguyên từ nỗi nhớ biến thành nỗi đau nghẹn ngào.
Đồng đội trao lại ký vật của Tấn. Hình nền điện thoại là ảnh tôi trong trang phục H’Mi may. Những trang nhật ký anh viết còn vương hơi ấm bàn tay anh. Hơi ấm của lửa.
Tôi đọc mãi câu chuyện anh chép trong nhật ký. Câu chuyện anh từng kể vào một đêm mưa không xa. Mấy nghìn năm trước, có Y Tung, người bộ lạc Ebling và Y Tang, người bộ tộc K’Drai là hai cha con sống ở vùng M’Đrak cằn cỗi, chỉ toàn cỏ tranh, đi uống rượu ở nhà chị em gái. Uống say bị vợ mắng, họ đi canh rẫy. Gặp con heo rừng phá rẫy, họ chạy theo, chui vào một cái lỗ đất. Lỗ đất dẫn đến một con đường hầm tối thui, dài hun hút. Chui mãi, chui mãi, cuối đường hầm họ gặp một vùng đất trù phú, cây cối xanh tươi, muông thú đông kín, cá dày đặc bơi trong suối. Họ trở về, gọi người nhà, gọi làng đến vùng đất mới. Đó chính là lỗ đất Adreh dẫn tới cao nguyên Đắk Lắk. Ngày ấy, có con trâu mộng chui qua, sừng dài vướng lỗ đất hẹp không qua được nên đành chịu chết, bịt kín cả lỗ đất. Nên mấy ngàn năm trôi qua, chẳng ai tìm được lỗ đất ấy nữa.
Mấy ngàn năm sau, có người thanh niên tên Ama H’Rin quyết tìm lại lỗ đất Adreh trong truyền thuyết. Anh vác giáo nhọn đưa vợ cùng đứa con gái đầu lòng mới sinh vượt qua những bãi cỏ tranh cao quá đầu người và dày đặc thú dữ, qua những bãi sình chỉ chờ sơ hở là kéo chân người nuốt xuống. Rẽ tranh mà đi. Vượt qua nỗi sợ cọp dữ mà đi. Băng qua những cánh rừng đầy dấu chân voi mà đi. Không biết qua bao nhiêu đêm phải ngủ lại giữa rừng già, giữa tiếng cọp gầm, giữa những cặp mắt thú hau háu nhìn, Ama H’Rin tìm ra Buôn Ma Thuột nằm chìm giữa rừng già nguyên sinh. Tấn gạch chân dòng chữ ghi chú: “sẽ đưa An đi thăm đèo M’Đrak, hẳn An sẽ ngạc nhiên như mình khi biết đèo M’Đrak chính là lỗ đất Adreh trong truyền thuyết”.
Tấn viết, những người lính cũng tìm ra lỗ đất Adreh.
Và sẽ có những con đường khác từ những người gắn bó với mảnh đất này.
Người đàn ông hàng xóm đã dừng lời từ lúc nào. Anh ta ngắm nhìn những bức tượng, lưu luyến như thể lần cuối cùng được ngắm nhìn chúng. Rồi đột ngột, anh ta đứng dậy, nhìn thẳng vào mắt tôi, khẽ bảo:
- Tạm biệt nhé, con gái!
Đầu tôi đau như muốn nứt toác ra. Tôi khẽ rùng mình. Trời ơi! Đôi mắt của người đàn ông sao mà giống Tấn quá. Đôi mắt cũng như có lửa. Có ngọn lửa nào cũng đang cháy bùng lên trong trí óc của tôi. Giấc mơ mỗi đêm lặp đi lặp lại bỗng trở nên rõ nét, ào ạt như thác tung mình trắng xóa. Nhà ngục nằm giữa rừng nguyên sinh huyền bí. Những xà lim nối dài. Những tiếng hét vọng vào rừng rồi dội lại căm hờn. Những tấm lưng trần hứng đòn roi man rợ. Những lồng ngực trơ xương phập phồng ngọn lửa thù rực cháy. Những ánh mắt không chịu khuất phục dù cơ thể chỉ còn nắm xương tàn, không đủ sức ngước lên nhìn bầu trời xanh cao vợi. Tiếng cọp gầm chờ ăn thịt xác tù nhân. Người bị ném ra ngoài, lồng ngực còn thoi thóp, nhắm mắt chờ hơi tàn tan dưới răng cọp. Xương trắng chất chồng. Máu nhuộm đỏ cỏ cây hoa lá. Bao nhiêu người đã nằm lại với mảnh đất này trên hành trình đi tìm lỗ đất Adreh của khát vọng tự do. Máu ngấm vào lòng đất nuôi dưỡng ngọn lửa âm ỉ cháy, hòa vào với ngọn lửa nguyên thủy từ đêm hồng hoang loài người đốt lên xua thú dữ.
Tôi ngã vật xuống. Đêm tan loãng. Bóng người tan trong ánh bình minh dát bạc lấp lánh lên nền trời tai tái. Tôi mê man ngủ. Ngủ như đã thức suốt mấy chục năm trời đằng đẵng.
Lúc nhà bên cạnh khởi công xây dựng quán cà phê, cạnh hàng rào tìm được một bộ hài cốt. Bộ hài cốt không còn nguyên vẹn, khi được tìm thấy, chút sót lại cũng hòa tan vào đất. Chỉ còn khối gỗ nhỏ bằng lòng bàn tay, đen nhánh được đặt cùng còn nguyên vẹn nhưng những chữ khắc tên tuổi đã bị bào mòn, mờ tịt, không còn đọc được. Chỉ biết, đây là nơi yên nghỉ của một chiến sĩ bị giam giữ tại nhà đày Buôn Ma Thuột. Có lẽ ông tìm cách vượt ngục nhưng không thành công, bị sát hại và được người dân che giấu, an táng. Hoặc ông bị giặc tra tấn dã man, những người đồng đội đã an táng ông để ông không phải làm mồi dưới miệng cọp. Thời gian trôi chảy, những người an táng ông năm nào đã không còn nữa. Ông nằm lại vĩnh viễn với mảnh đất này.
Tỉnh dậy sau những ngày mê man, tôi mặc chiếc váy H’Mi may, cầm tượng gỗ nhỏ Y Tâm tạc, theo chị H’Len đi thăm Tấn. Tôi đặt tượng gỗ lên trên mộ anh. Mắt tượng buồn như muốn khóc. Tôi ngồi bên Tấn cả buổi chiều. Tôi kể cho anh nghe nhà của chị H’Len bữa nay có nhiều người đến xin học dệt thổ cẩm, các cô gái trẻ xin H’Mi dạy may. Năm sau, H’Mi bắt chồng. Chàng trai gần nhà có tài đánh chiêng nổi tiếng khắp tỉnh. Trong căn nhà nhỏ lúc nào cũng rộn tiếng cười nói. Những khuôn mặt tượng Y Tâm tạo nên vẫn nhìn vào cõi mênh mông, huyền bí nhưng dáng ngồi dường như đã nhẹ nhõm hơn nhiều. Nỗi đau đã nguôi ngoai, nhưng mọi người vẫn nhớ anh. Nỗi nhớ phố núi của tôi gộp thêm nỗi nhớ anh nên dù đang sống ở đây mà tôi vẫn nhớ đến cồn cào. Lần sau ghé thăm, tôi sẽ hát cho Tấn nghe những khúc dân ca tha thiết của người Ê đê. Chị H’Len đang dạy tôi hát.
Tôi mở lại trang cá nhân đã khóa với ước muốn có thể khóa chặt nỗi đau của mình., với hi vọng khi không chạm phải ký ức, lòng mình sẽ bớt nhức nhối. Tôi muốn chia sẻ những tấm thổ cẩm chị H’Len dệt, những áo, váy mà H’Mi may. Tôi cũng sẽ kể câu chuyện về những bức tượng, về bon cổ trong lòng phố, những ngôi nhà dài lửa bập bùng sưởi ấm, nghe Ama như tiên ông kể sử thi. Tất cả sẽ tiếp nối. Cuộc sống ở đây sẽ mãi như than hồng trong bếp lửa trên nhà dài, như đốm lửa ủ dưới lớp tro nóng của thời gian, của bao thế hệ sinh ra, lớn lên hay từ nơi khác đến mà gắn bó với thành phố này, mảnh đất này. Già làng đã khêu lên. Ông cố đã khêu lên trong những năm kịch sử tăm tối. Chị H’Len khêu lên. H’Mi và Y Tâm đã khêu lên. Tấn đã khêu lên và tôi sẽ tiếp nối. Những ngọn lửa không bao giờ tắt, không bao giờ lụi tàn, dù bị bão giông vùi dập cũng sẽ khởi sinh.
Trên con đường xanh mát dẫn về căn nhà nhỏ của chị H’Len, tôi gặp những bà mẹ trẻ địu con trên phố, thong thả giữa dòng xe cộ tấp nập. Những gương mặt trẻ thơ, mắt đen lấp lánh lớn lên trên mảnh đất của Đam San, nối tiếp nhau bước tiếp, viết lên những giấc mơ phố núi thanh bình mà kiêu hãnh. Tôi nhìn vào những đôi mắt bé con ấy và biết, tôi sẽ thương nơi này, như Tấn./.
Đào Thu Hà
- Chú thích: * - theo truyền thuyết Ê đê
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0