BÙI MINH VŨ - MỘT TÌNH YÊU KHẮC KHOẢI (Đọc Những tiếng đàn hồng, Bùi Minh Vũ, NXB Hội nhà văn 2023)
Ngày đăng: 12/09/2024 09:34
- Lượt xem: 68
- Thích
Ngày đăng: 12/09/2024 09:34
Đọc câu thơ nổi tiếng: Mây trôi một chiều. Chim kêu một giọng/ Anh một mình náo động một mình anh (Sông Thương tóc dài), ta nhận ra một Hoàng Nhuận Cầm dào dạt xúc cảm trước cái thực tại đã hoàn kết. Ông đã yên tâm về điều mình biết và tự tin nói, tự tin ngay cả khi khái quát cái điều ghê gớm đến khó tin nhưng khi buộc phải tin thì lại rất không muốn tin: Tất cả chúng ta thật lòng nói dối. Viết sau và viết khác Hoàng Nhuận Cầm, Bùi Minh Vũ luôn khắc khoải trước một thực tại nhiều nghịch lý, đang hình thành, như vừa đi vừa do dự, chợt gọi thành tên sự vật rồi chợt cảm thấy ngay là chưa phải, như đang cố hiểu mà không sao hiểu nổi. Như ở bài Đi chơi này:
Hôm qua tôi đưa tôi đi chơi
Tay cầm hòn đá
Tay cầm hòn đá
Đá hỏi
Sao chỉ có hai chúng ta?
Đến tập thứ 16 của mình, Những tiếng đàn hồng, thơ Bùi Minh Vũ có diễn giải nhiều hơn nhưng các cảnh sắc được mô tả nếu không nghịch lý thì cũng đều bị bỏ lửng giữa chừng:
nâng mảnh cây bỡ ngỡ
trở dạ một cánh rừng
tiếng vọng
mũi tên xanh
bắn ngược (Mảnh cây bỡ ngỡ)
Bốn câu dẫn sau là đoạn kết của bài Ranh giới nhưng lô gic của mạch thơ lại như mới bắt đầu:
Chậm rãi
tôi thả tôi buông xuống
từ sự im lặng
như giọt mưa trước bụi lúa vàng.
Ở bài Rẫy cà phê phóng khoáng cảm xúc trải ra mênh mang, đàn chim bay nhanh bay mãi vẫn không ra khỏi rẫy; khi rẫy cà phê hóa thành một trái xanh trong cảm xúc, đàn chim vẫn còn chưa vùng thoát ra khỏi trái xanh thì ta vẫn chịu không thể biết tình yêu ôm chứa rộng hơn hay rẫy cà phê rộng hơn. Kết bài thơ Cánh đồng thanh tú có vẻ đã đầy đủ hơn, nhưng chưa kịp tin, sự vật lại bắt đầu sang một nghịch lý khác:
Cánh đồng trái xoan
Gương mặt mẹ
Đường cày thời gian
Sáng lên những chồi lửa
Thơ Bùi Minh Vũ nhìn thấy nắng khi nắng rơi xuống vực, thấy quê yên tĩnh ở bên ngoài nắng, lại bên trong nắng cũng là quê yên tĩnh, rốt cục, nắng tích tụ lại trong mùi khoai lang nướng của mẹ. Có một niềm lo âu thường trực trước những cái từng đã rất đẹp trong tâm hồn nhà thơ, nay cứ bung toang biến mất rồi hiện thành cái khác: Tôi cõng bến nước trở về/ Bến nước lấm lem choàng qua cổ tôi... Tôi đặt bến nước ngoài rìa thành phố/ Tiếng nước xù xì mốc meo (Tiếng vọng.) Rồi hóa sỏi một mơ mộng cũ: Đi về/ Một ngõ hẹp/ Tựa vào gốc cây/ Sầu riêng/ Nơi hai người/ Khắc tên bằng những viên sỏi (Trắng muốt). Rồi cái đẹp, cái thực tại của ta sắp thành của người: Trăng đi qua/ Đưa cho cô gái một chiếc áo khác (Trắng muốt) còn đây lại là tương lai đang hình thành: Tiếng hát/ Tạc vào gốc cây tàn/ Lưỡi cưa mâm móc những chiều ứa đỏ (Hát ở rừng) một tương lai sầm sập đến thật khó chống đỡ: vẫn còn kịp/ Nếu em gùi rặng núi lại/ Trước khi các khối bê tông đến gần (Gắn kết) Thơ nhìn thấy tiếng ở Nơi reo vang: tôi đang vớt một điệu múa lao chao, ở Dưới gốc cây bị đẵn: Từng ngọn cây như thanh kiếm/ Cắt đôi ánh mắt tôi. Đọc thành tiếng, thấy rõ niềm khắc khoải.
Bùi Minh Vũ khắc khoải cái gì và vì sao mà khắc khoải?
Vũ quê Quảng Ngãi, lập nghiệp rồi trưởng thành ở ĐăkLăk vào thời Tây Nguyên biến động, chuyển mình từ kinh tế tự túc sang sản xuất hàng hóa. Rừng, bao gồm cả rừng đại ngàn bị phá bỏ nhân danh khai hoang để trồng cà phê, tiêu, cây ăn trái rồi sau đấy là thị trấn, là đô thị hóa. Từ miền quê khác ngặt nghèo cái sống, Vũ đã yêu Tây Nguyên trù mật linh thiêng- cụ thể ở bài Buôn Ma Thuột là tên thành phố ông lập nghiệp này và tình yêu ấy thật đẹp:
mảnh trăng quê chơi trên cây gạo cũ
ngụm ca phê ban mai say đến cuối chiều
[...] tôi gắn bó với nơi này như chồng với vợ
chẳng còn yên tĩnh khi phải bước chân xa
chẳng còn ngẩng đầu khi phải bước chân xa
Buôn Ma Thuột ơi
như một cuộc đời
như em
những chiều không có nhau
nghe thèm miếng cơm lam
nhớ cầu thang mẫu hệ
nhớ tiếng reo hò trước lễ hội cầu mưa
em ở cùng tôi trộn vào nhau hơi thở
Có thể hình dung Bùi Minh Vũ trưởng thành trong môi trường văn minh lấn lướt văn hóa, càng nhập tịch sâu vào Tây Nguyên, càng yêu xứ sở khi nó thay đổi từng ngày. Tây Nguyên hùng vĩ, linh thiêng và cuồn cuộn sức sống chảy vô tận từ các sử thi dần thay áo khác. Nếu coi Chiêm nương là nhân vật “Em” trữ tình của Điêu tàn thì ở Những tiếng đàn hồng, “Em” của Vũ là cô gái Tây Nguyên khỏe khoắn, trinh nguyên:
Một mình
Em xuống bến nước
Áo thổ cẩm
Xinh hơn những cánh hoa
[...] Những giọt nước ngoan
Khoanh tròn trong đáy bầu (Em xuống bến nước)
và thơm thảo:
Anh lội suối nơi em ngâm mình
Giật thót mùi trái ngọt
Chim Hril háo hức mùa xuân thơm (Lời suối)
Em đến rẫy trước khi mặt trời tắm
Hiển nhiên
Những chú trê hót dưới nước
Sóc múa gấp gáp sợ em qua (Trước khi mặt trơi tắm)
Thế rồi, rừng đã không còn là nguồn sống nữa, là hướng đi và đích đến tôn nghiêm của buôn làng nữa:
vỡ trong tôi đại ngàn
vỡ trong tôi từng giờ và ký ức (Buôn Ma Thuột)
Những chiều thu
Theo em lên đồi trọc
Đất mày chảy về đâu
Rừng không thấy trả lời (Tôi đang chảy về đâu)
Rừng đã không còn nữa bởi dăm gỗ đỏ như máu rỏ hằng đêm:
Những mảnh gỗ dăm cắt rốn
Đỏ
Giữa rừng nguyên sinh
Đêm đêm co mình
Như dấu hỏi
Đêm đêm co mình
Như dấu hỏi
Trong trái tim tôi (Những mảnh gỗ dăm)
Cây bị xẻo thịt hằng đêm, cũng là hằng đêm động vật hoang dã bị bắn:
Người thợ săn nghe tiếng
Ta là con dọc bạch
Hãy lên dây ná
Bắn
Thui ngay
Không ai biết bởi vì một số người có chức phận đã bị bưng tai bịt mắt, còn tai mắt chúng dân đã chai cứng mà trở nên vô hồn:
Người điếc kéo người mù lại
Cậu thấy gì
Nghe nhưng không thấy
Tớ thấy
Nhưng không nghe (Con dọc bạch).
Và khi rừng hết, thì nhà dài cũng khó có thể tồn tại và hình ảnh trinh nguyên: Em nhặt hạt gạo ngoài hiên nhà dài rồi ắt phải biến đổi:
Có thể ngày mai
Nơi em nhặt gạo
Trăng vàng chiếm chỗ
Em lại nhặt bóng mình (Ngoài hiên)
Đau đớn nhất là hình tượng thơ em mang rau rừng Ra phố:
Em gửi rau cần ra phố
Bán ánh mắt
Ai
Thế rồi:
Từ đó
Ai thấy ai
Quẩn quanh bên ai
Trong lễ cúng sức khoe cho mẹ
Đặt chúng bên những câu thơ: Tôi đặt bến nước ngoài rìa thành phố/ Tiếng nước xù xì mốc meo ta chợt giật mình, em đã mất hút và vì vậy mà, “Em” đã không còn là Em nữa - tình yêu của tôi!
Sau núi rừng ruộng rẫy, sau Em; sử thi là cửa ngõ nhập tịch nhuần nhuyễn để Bùi Minh Vũ thành cư dân Tây Nguyên có số má. Một mảnh ghép lớn trong sự nghiệp của Bùi Minh Vũ là sưu tầm, chú giải và công bố sử thi, truyện cổ, luật tục và văn hóa dân gian các dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Vũ thấm rất sâu “lối nói có vần của người M’nông, giống ca dao tục ngữ của người Việt nhưng cấu trúc không chặt bằng, chúng trộn lẫn giữa ngôn ngữ thơ với lời nói thường ngày.” Vũ đã ghi chú trong bài Thành phố núi như thế. Cũng có thể coi đây là tuyên ngôn về thi pháp thơ mình, bởi ở đó, tác giả cùng trò chuyện với bạn đọc về bài thơ đang viết, như cùng làm thơ với người đọc. Cách trộn ngôn ngữ thơ với lời nói thường ở bài Hạn rõ hơn, hiệu qua hơn:
Ta đội trên đầu một hũ nước
Đẹp như gốc cây khô
Những bông lúa cháy khát họng
Ta thả tay
Bắt một bầy nắng đực nhốt vào miệng
Mưa thòng chân quỳ xuống
Gọi ta là chồng
Thực ra, “Anh một mình náo động một mình anh” trong mắt người tỉnh là một ngoa ngữ, hơi bị khoa trương mặc dù cảm giác của nó là thật và có thể tin được. Đó là bí mật của thơ ca, ngay ở thơ của người viết khác là Bùi Minh Vũ cũng có chỗ ngoa ngôn. Vả lại, như đã nói, thi pháp thơ Bùi Minh Vũ là học từ sử thi Tây Nguyên - nơi cội rễ của đại tự sự, đại ước lệ. Nhưng do cảm xúc bị nén, bị nuốt vào trong nên vỏ câu thơ chỉ thấy day dứt nhiều hơn hoan hỷ, lo âu nhiều hơn mê đắm, gấp tập thơ lại thì còn ngổn ngang niềm khắc khoải. Đây là thơ chiêm nghiệm, vừa đọc vừa ngẫm ngợi như uống cà phê phải có thì giờ nhấm nháp. Thơ Vũ chịu được đọc nhiều lần, với các tâm thái khác nhau. Điều đáng mừng là Bùi Minh Vũ khiêm nhường, dù đã in đến tập thơ thứ 16, ông vẫn tự coi mình cố Bắt nhịp với nền thơ:
Cho tôi đôi tiếng nói
Giữa muôn ngàn tiếng quen
Nhưng đó cũng không hẳn là khiêm cung. Đó còn là một khát vọng được kiêu hãnh:
“Cho tôi nhận ra tôi
Giữa muôn ngàn tiếng nói…”.
Văn Chinh
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0