Hiện tượng lạ hóa và vấn đề tư duy ngôn ngữ qua một số tác phẩm văn học nhà trường
Ngày đăng: 11/06/2024 15:47
- Lượt xem: 520
- Thích
Ngày đăng: 11/06/2024 15:47
Văn chương là nghệ thuật nhưng còn là khoa học. Nói cách khác, chuyện văn chương lắm lúc phiền hà, nhiêu khê và đầy rắc rối. Ai trong nghề còn dễ nói với nhau, lỡ gặp người “ngoại đạo” mà hay xuyên tạc thì thật là khổ trăm bề. Đối với việc dạy học trong nhà trường lại càng không là điều đơn giản. Học sinh hỏi, phụ huynh hỏi, đôi khi mấy ông hàng xóm, bạn nhậu lúc trà dư tửu hậu cũng cà khịa, thật đau nhức cả đầu.
Là vì cái logic của văn chương nó ỷ lại sự phi lí tính nên nhiều lúc người làm văn bao biện mà người phê bình cũng nương vào, tát nước theo mưa, miễn xuôi chiều thi - thôi. Thực tế có những sự “lạ hóa” có giá trị/ có thể cắt nghĩa được; mà cũng có trường hợp không cách nào diễn giải cho xuôi. Bài viết dưới đây xin mạo muội chia sẻ một vài tâm tư trước những hiện tượng lạ hóa/ cái phi lý qua một số tác phẩm văn học được giảng dạy trong nhà trường hiện nay.
1. Trước tiên là những hiện tượng “lạ hóa” độc đáo, có giá trị/ có thể cảm nhận, lí giải được
Xin dẫn ra một số ví dụ quen quen:
Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc…
(Ca dao)
Màu xanh thường dùng để chỉ sắc màu của chồi, lá. Theo mạch cảm xúc, bài ca dao hẳn đang nói đến hoa (hoa bưởi - câu 1, hoa tầm xuân - câu 2). Hoa tầm xuân tuy có rất nhiều màu sắc đẹp mắt: hồng nhạt, hồng đậm, trắng,… nhưng không có màu “xanh biếc”. Có lẽ nhân vật trữ tình muốn mượn cái bất thường của thiên nhiên/ tự nhiên để bộc lộ cái bất thường của tâm trạng. Việc “em lấy chồng rồi” khiến “anh tiếc lắm thay”, nhưng biết làm sao! Đất trời điên đảo, nội tâm bấn loạn, hành vi không tự kiểm soát… đó là trạng thái đáng thương của chàng trai.
Hiện tượng Hoa cúc vàng nở ra hoa cúc tím… Hoa cúc vàng nở ra hoa cúc xanh trong câu ca này cũng có cách lập ý, diễn ý tương tự:
- Hoa cúc vàng nở ra hoa cúc tím,
Em có chồng rồi trả yếm cho anh.
- Hoa cúc vàng nở ra hoa cúc xanh,
Yếm em, em mặc; yếm gì anh, anh đòi!
Việc “em có chồng” là một nghịch lí trớ trêu mà chuyện đòi yếm cũng là sự phi lí. Nhưng cái lí trong nội tâm con người thì lại hết sức tự nhiên: oan trái dễ sinh trách móc, dỗi hờn.
Một ví dụ khác, trong thơ thời hiện đại trong chương trình ngữ văn lớp 12:
Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi
(Tây Tiến – Quang Dũng)
“Mùa” là từ loại (loại từ/ danh từ chỉ loại) chỉ thời gian hoặc một sự kiện nào đó có tính chất phong trào đang nở rộ (biến nghĩa/ chuyển nghĩa): mùa xuân, mùa hạ…; mùa gặt, mùa hoa cải...; mùa lễ hội, mùa bóng đá…; mùa thi, mùa cưới, mùa hành quân… Còn “mùa em”, quả thật chưa nghe ai nói. Rõ ràng, xét về mặt ngữ pháp tiếng Việt là “không ổn”, nhưng đặt trong đoạn thơ thì có ý nghĩa và sức gợi thật độc đáo. Những kỷ niệm ấm nóng tình cảm quân dân đã trở thành ấn tượng, thời gian như xóa nhòa, chỉ có “em” mãi đọng trong ký ức. Mùa nếp mới và hình ảnh người em gái hậu phương nuôi quân hòa quyện trong hương vị nồng nàn, da diết. Em vừa cá thể hóa, rất riêng tư vừa là ấn tượng mang tính đại diện cho toàn thể: Mai Châu - Nhân Dân.
Những trường hợp như:
- Nắng xuống, trời lên sâu chót vót
(Tràng giang – Huy Cận)
- Dẫu xuôi về phương Bắc
Dẫu ngược về phương Nam
Nơi nào em cũng nghĩ…
(Sóng – Xuân Quỳnh)
Cũng “lạ” và độc đáo nhưng không khó cắt nghĩa. Huy Cận muốn “gộp đôi” khoảng cách ngước lên và nhìn xuống, không gian tự nhiên và khoảng trống của tâm hồn để biểu thị cái mênh mông sâu thẳm của vũ trụ và cái cô đơn tột cùng trong nội tâm. Xuân Quỳnh đảo ngược phương hướng (xuôi Nam ngược Bắc thành xuôi Bắc ngược Nam) để nêu lên những giả định dù “nghịch thiên” vẫn quyết tâm và kiên trì đi đến tận cũng bến bờ của tình yêu hạnh phúc, để trọng vẹn tình nghĩa thủy chung.
Thêm một ví dụ khác, tuy không dễ lí giải nhưng có thể cảm nhận:
Áo em trắng quá nhìn không ra
(Đây thôn Vĩ Dạ - Hàn Mặc Tử)
Người đọc dễ nhận thấy giọng điệu trách móc, dỗi hờn, có phần mang tâm lí mặc cảm trong câu thơ qua cụm từ “nhìn không ra”, nhưng còn cái nguyên cớ “áo em trắng” quá thì sao? Áo trắng tượng trưng cho sự ngây thơ, trong sáng, chưa thấu hiểu lòng người nên hờn (giọng điệu nữ tính, chủ thể lời nói phải là “em”); cũng có thể tượng trưng cho sự đài các cao sang (giọng điệu mặc cảm, chủ thể lời nói là “anh”); hay “trắng quá" là sự huyền hoặc, biến đổi vô thường của nhân sinh khiến lòng người nghi ngại; hay “em” chỉ là viễn ảnh xa xôi, như có như không, như hư như thực, tuy gần mà không với tới…?
2. Bên cạnh đó, có những hiện tượng vô nghĩa, trái với tư duy ngôn ngữ, khó diễn giải thông suốt
Xin nhắc lại những trường hợp đã được nhiều người bàn luận:
- Đầu lòng hai ả tố nga,
Thúy Kiều là chị, em là Thúy Vân
(Truyện Kiều – Nguyễn Du)
“Đầu lòng” chỉ có một, không thể tồn tại “hai ả”, kể cả song sinh cũng vậy, huống chi ở đây có sự phân biệt chị - em.
- “Kẻ nào ngồi sau ngựa chính là giặc đó”. Vua bèn tuốt kiếm chém Mị Châu, Mị Châu khấn rằng: Thiếp là phận gái,…
Đoạn văn trên trích từ Truyện Rùa Vàng trong sách Lĩnh Nam chích quái của Trần Thế Pháp được giảng dạy trong sách ngữ văn lớp 10 do Đinh Gia Khánh, Nguyễn Ngọc San dịch. Chỗ không đúng là “ngồi sau ngựa (lẽ ra phải nói “ngồi sau lưng…”), và Mị Châu đã bị vua cha tuốt gươm chém rồi thì còn khấn sao được (lẽ ra phải nói “Vua tuốt gươm toan/ định chém…). Chỗ phi lí này đã được sách giáo khoa lớp 10 sau đó điều chỉnh, hẳn mọi người đã biết.
Còn có nhiều trường hợp khác tương tự, mà nguyên nhân chủ yếu, theo tôi, là do sử dụng tiếng Việt chưa chính xác. Xin đưa thêm ví dụ:
- Vân Tiên đầu đội kim khôi,
Tay cầm siêu bạc, mình ngồi ngựa ô
(Truyện Lục Vân Tiên – Nguyễn Đình Chiểu)
Tuy từ “mình” có nghĩa là “Phần thân thể người ta, không kể đầu và chân tay”, nhưng thông thường “ngồi” là chức năng của “mông” (ngồi là “ở tư thế mông đặt trên mặt nền hoặc chân gập lại để đỡ toàn thân; phân biệt với đứng, nằm”), còn “mình” là để nằm. Theo lý phải nói “mông ngồi ngựa ô” mới hợp. Có lẽ từ này không được thẩm mĩ nên tác giả đành gượng ép dùng từ kia chăng?!
- Vừng trăng vằng vặc giữa trời,
Đinh ninh hai miệng một lời song song.
(Truyện Kiều – Nguyễn Du)
Xét về nghĩa của từ, “song song” tất nhiên phải có “hai”, đằng này tác giả nói “một lời song song”. Dĩ nhiên ai cũng hiểu nhà thơ muốn nói: tuy hai miệng, hai người nói nhưng ý tứ thì nhất trí như một, có điều rõ ràng cách diễn đạt không được thuận cho lắm.
Hay câu thơ của Xuân Diệu:
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần
(Vội vàng)
Môi là “nếp cơ mềm làm thành cửa miệng”. Mỗi người đều có một cặp môi: môi trên và môi dưới. Vậy một cặp môi gần có gì “ngon”. Có thể phỏng đoán ý nhà thơ theo hai cách: cặp môi của đối phương đang ở cự li gần mình (vẫn chưa rõ có gì “ngon”); một cặp môi gần với một cặp môi khác (thế này mới “ngon”, nhưng lẽ ra phải nói “hai cặp môi gần”). Cũng có khả năng tác giả cho rằng môi, mỗi người chỉ có một, và một cặp môi gần nghĩa là môi của hai người kề nhau, nếu quả vậy thì việc sử dụng ngôn ngữ có vấn đề.
Thêm một ví dụ thú vị khác: truyện Chí Phèo của Nam Cao. Đang “lộn ruột” vì những lời của bà cô, thị Nở ton ton chạy lên nhà nhân ngãi để trút giận, nhưng Chí Phèo lại cười. Thị điên lên. Thị chống tay vào háng, vênh vênh cái mặt… Háng là “phần cơ thể ở chỗ tiếp giáp của mặt trong đùi với bụng dưới”; “chống” là “đặt hai bàn tay vào”, chẳng biết thị Nở chống tay làm sao? Mà nếu có “chống” được thì cảnh tượng không biết hình dung thế nào, thật kinh khủng!...
3. Cũng có những trường hợp trái với logic của thực tế, nếu suy nghĩ, nhìn nhận theo lẽ thường khó mà chấp nhận
Ví dụ, trong Truyện Tấm Cám, Tấm đã làm Hoàng hậu, sống trong cung vàng điện ngọc, vậy mà khi bị hại hóa thành chim vàng anh lại cất tiếng cảnh cáo Cám: Phơi áo chồng tao, phơi lao phơi sào, chớ phơi bờ rào, rách áo chồng tao. Thử hỏi trong cấm cung lấy đâu ra bờ rào gai góc kiểu thôn quê mà sợ phơi rách áo? Thêm nữa, Cám đã thay chị làm vợ vua, tôn quý cỡ nào, sao còn phải giặt áo, phơi đồ? Một chi tiết khác: mụ dì ghẻ đem một đấu gạo trộn lẫn một đấu thóc, bắt Tấm phải nhặt xong mới được đi hội. Việc này, đối với nhà nông không có gì là khó, chỉ cần dùng dần, sàng hoặc nia sàng sảy một lát ắt xong ngay. Vậy mà Tấm không biết làm sao, chỉ ngồi khóc. Một cô gái quê, không biết nhặt thóc nhưng lại biết cưỡi ngựa, còn phóng rất nhanh đến nỗi “mất dép” lúc nào không hay, thật là quái sự…!
Truyện Chữ người tử tù trong ngữ văn lớp 11, ở phần đầu, quản ngục dặn ngục tốt quét dọn căn phòng trong cùng, nói giam trọng phạm nguy hiểm, thực chất là để biệt đãi Huấn Cao; đến đoạn cuối lại tả phòng giam ẩm ướt, tường đầy mạng nhện, đất bừa bãi phân chuột phân gián. Cùng một căn phòng ấy (vì trước đó Huấn Cao có nói: “Về bảo với chủ ngươi, tối nay, lúc nào lính canh về trại nghỉ, thì đem lụa, mực, bút và một bó đuốc xuống đây ta cho chữ”) nhưng tiền hậu bất nhất, phải chăng tác giả “quên”?
Truyện Vợ chồng A Phủ: A Phủ bị phạt vạ 50 đồng bạc trắng xong rồi cúng nhận ma, việc này trong nhà ngoài cửa ai cũng biết nhưng Mị không biết: Ta là thân đàn bà, nó đã bắt ta về trình ma nhà nó rồi thì chỉ còn biết đợi ngày rũ xương ở đây thôi…., người kia việc gì mà phải chết thế. Mị không biết hay tác giả “quên”?
Còn rất nhiều những chuyện linh tinh khôi hài khác nữa. Có anh bạn không biết đùa vui hay cố ý chòng ghẹo, nói với tôi thế này: Truyện Chiếc thuyền ngoài xa (Nguyễn Minh Châu), theo lời kể của người vợ, chồng bà vì không biết uống rượu nên đánh mình như cơm bữa “Bất cứ lúc nào thấy khổ quá là lão xách tôi ra đánh, cũng như đàn ông thuyền khác uống rượu… Giá mà lão uống rượu… thì tôi còn đỡ khổ…”; truyện Chí Phèo, nhân vật chính vì không biết hát nên “chửi đổng” (Hắn chửi như những người say rượu hát. Giá hắn biết hát thì có lẽ hắn không cần chửi). Vậy nên chăng đàn ông chúng mình phải biết uống rượu và uống say phải hát, để khỏi phiền vợ con, làng xóm?!
Tạ Trăn đời Minh (Trung Quốc) từng có câu nói nổi tiếng: “Thi hữu khả giải, bất khả giải, bất tất giải, nhược thủy nguyệt kính hoa, vật nệ kỳ tích khả dã” (tạm dịch: Thơ có chỗ có thể giải, có chỗ không thể giải, không cần giải, giống như hoa dưới nước, trăng trong gương, không cần câu nệ tới dấu tích). Đấy là đặc trưng của thơ ca nói riêng và nghệ thuật ngôn từ nói chung. Văn chương phải sáng tạo ra những cách diễn đạt mới mẻ, độc đáo, làm giàu thêm ngôn ngữ và tạo nên tính đa nghĩa, hấp dẫn người đọc. Nhưng dẫu văn chương có là “trò chơi ngôn từ”, như nhiều người quan niệm đi chăng nữa, thì cũng phải có “luật chơi” của nó.
Ngôn ngữ mang tính ký hiệu - quy ước, khó lòng phán ánh đầy đủ, chân thực hiện thực đời sống, nhưng nó là phương tiện giao tiếp chủ yếu, công cụ để tư duy. Đối văn chương, ngôn ngữ vừa là hình thức vừa là nội dung, vừa là phương tiện vừa là mục đích. “Lạ hóa” về ngôn từ, theo tôi, không thể tách rời “cái lí của đời sống” và tư duy ngôn ngữ.
Trương Văn Trị
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0