Lễ hội té nước: Sự sùng bái nguyên tố nước trong Đông Nam Á
Khu vực Đông Nam Á nổi tiếng với những lễ hội độc đáo, trong đó không thể không nhắc đến lễ hội té nước diễn ra vào dịp đầu năm mới ở các quốc gia như Lào, Thái Lan, Campuchia, và Myanmar. Từ thời xa xưa người dân ở vùng này đã coi trọng vai trò của nước. Vì thế họ đã sáng tạo ra các hoạt động vui chơi, giải trí liên quan đến nước.
Tết năm mới của các dân tộc Lào, Thái Lan, Campuchia và Myanmar thường diễn ra vào khoảng giữa tháng 4 Dương lịch. Là thời điểm chuyển tiếp giữa mùa khô và mùa mưa. Thời tiết nắng nóng nên đón Tết đối với cư dân ở đây thực chất là đón mưa, đón nguồn nước trong lành tắm mát cho cây cối và con người. Từ đó các lễ hội té nước để tôn vinh nguồn nước ra đời.
Lễ hội này phản ánh sự sùng bái nguyên tố nước trong đời sống của cư dân Đông Nam Á. Nơi có điều kiện khí hậu thích hợp cho việc sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là trồng lúa nước. Nguồn nước là yếu tố cực kì quan trọng trong các hoạt động từ sản xuất, sinh hoạt đến vui chơi giải trí.
Mỗi năm, tôi lại háo hức chờ đợi để tham gia vào những lễ hội té nước tại Đông Nam Á. Nơi mà tôi từng có nhiều cơ hội trải nghiệm và khám phá văn hóa độc đáo của các quốc gia này.
BunPiMay ở Lào, hoa Hoàng hậu (hay còn gọi là bò cạp nước) rụng sạch lá, chỉ còn những đám hoa vàng rừng rực trong nắng, cắm trước nhà, bay trên đầu xe máy, xe ôto rung rinh theo tốc độ của xe. Đường phố từ thành thị đến nông thôn tràn đầy người và xe chở nước. Các tốp thanh niên hớn hở nhảy nhót trên xe, sẵn sàng bắn nước xuống bất cứ người đi đường nào, mà không hề bị mắng trả. Người dân tận hưởng niềm vui của việc bắn nước lên nhau, cảm giác sảng khoái và phấn khích tràn ngập không gian. Lễ hội té nước không chỉ là một nghi lễ, mà còn là dịp để mọi người kết nối với nhau, xua tan những lo âu, xóa tan những khoảng cách. Tôi và các bạn ngập mình trong nước và bia.
Trải nghiệm lễ hội Songkran ở Thái Lan, nơi mà mọi người từ khắp nơi đổ về thành phố đang sáng bừng lên trong cờ hoa sặc sỡ. Các bức tượng, bức tranh Nhà Vua Thái Lan khắp các đường phố, đều được phủ đầy hoa đến tận bệ tượng để bày tỏ lòng yêu mến sùng kính Hoàng Gia. Tham gia vào những cuộc vui sôi động, không chỉ là việc bắn nước vui nhộn mà còn hòa mình vào không khí của một cộng đồng đang vui tươi hân hoan chào đón năm mới.
Lễ hội Chaul Chnam Thmey ở Campuchia, Bạn sẽ được chứng kiến cảnh người dân trang hoàng đường phố, nhà cửa. Nhất là các chùa chiền rực rỡ cờ hoa và những hoạt động văn hóa đặc sắc (diễn tuồng, đắp núi cát, tắm phật, dâng cơm…). Ở nông thôn, ngày trước lễ, các cô gái đều xin phép nhà chồng trở về nhà mẹ đẻ cùng gia đình gói bánh tét, làm bánh gừng, nấu những bữa cơm dâng cho sư. Cả nhà sau đó cùng ăn trên chùa. Đến nơi nào cũng cảm nhận lòng nhiệt thành và sự phấn khích khi mọi người tận hưởng niềm vui của ngày lễ này.
Lễ hội năm mới Thingyan của Myanmar là một trong những sự kiện lễ hội lớn nhất và phổ biến nhất trên khắp đất nước. Thingyan không chỉ là dịp để đón chào năm mới mà còn là cơ hội để mọi người tẩy tế bất kỳ điều gì xấu xa của năm cũ và bắt đầu một năm mới với tinh thần trong sạch và may mắn. Trong suốt bốn ngày của lễ hội các đường phố ở Myanmar sôi động với những cuộc vui chơi, âm nhạc và tiếng cười… Người dân tham gia vào việc phun nước lên nhau từ các chai nước hoặc các ống nước lớn, tượng trưng cho việc tẩy tế và làm sạch cả thân thể và tâm hồn. Đồng thời, các lễ hội cầu phật và thắp hương cũng được tổ chức để tôn vinh các giá trị tâm linh. Thingyan cũng là thời điểm mà người dân tham gia vào các hoạt động từ thiện và cộng đồng. Như việc tặng quà cho người nghèo và tăng cường tình đoàn kết trong xã hội. Không khí vui tươi và hân hoan của lễ hội Thingyan-Myanmar là một trải nghiệm văn hóa độc đáo khó quên cho bất kỳ ai có cơ hội tham gia.
Kỷ niệm lang thang trên đường phố thắp sáng bằng hàng ngàn giây đèn màu lấp lánh. Khắp nơi cờ hoa rực rỡ. Đông nghịt người, ai cũng cầm trong tay dụng cụ bắn nước. Không có sự phân biệt quốc gia hay giới tính, chỉ có nụ cười trên môi. Không chỉ mang lại niềm vui và sự hào hứng mà còn giúp bạn hiểu rõ hơn về ý nghĩa sâu sắc của lễ hội té nước trong văn hóa và tín ngưỡng của các quốc gia Đông Nam Á. Đó thực sự là những khoảnh khắc đáng nhớ, đáng trân trọng sẽ theo bạn suốt cuộc đời.
Luang Prabang - Nơi tình yêu ở lại
Tháng 04/2016, tôi đi đón tết Bunpimay ở cố đô Luang Prabang, nơi được xem như là vui nhất của trải nghiệm tết Lào. Thành phố này khiến người ta phải lòng sự yên bình chầm chậm của cố đô cổ kính đầy hoài niệm. Chiều buông sương mờ trên ngã ba sông, nơi nước dòng Nam Kha hòa vào dòng Mekong kỳ vĩ. Tôi nhớ mình chầm chậm đi bộ ven sông, nơi có một cây cầu tre vắt ngang dòng sông rộng. Bên kia sông là một ngôi chùa nhỏ nằm cổ tịch trên ngọn đồi. Cả tiếng rì rầm tụng kinh vọng ra từ khu vườn chùa thơm mùi lá mục, cả những ngôi nhà gỗ xinh đẹp và cả những cô gái Luang luôn cười rất nhẹ... Tiếng gọi nhau í ới của lũ trẻ chơi đùa ven bãi gợi cảm giác bình yên đến kỳ lạ. Luang Prabang đón tôi với vẻ thanh khiết và dịu dàng, những con đường vắng thoảng bóng áo cà sa đỏ của nhà tu hành. Những con dốc nhỏ phủ đầy hoa, mảnh vườn cũ xào xạc nắng ríu rít tiếng chim gọi nhau. Tiếng chuông chùa khoan nhặt níu bước chân kẻ lữ hành.
Luang Prabang chiều và đêm trước lễ hội vẫn còn êm đềm lắm. Ngắm sông Nam Kha yên bình trong xanh cũng rất thú vị. Con đường ven sông vẫn vắng lặng như nó vốn thế.
Bất ngờ đến vào sáng hôm sau, khi phố thức dậy, lục tục đổ ra đường. Đang bình lặng là thế thoắt bỗng ngập tràn người, ngập tràn âm nhạc, ngập tràn bia và ngập tràn tiếng cười... Các bạn trẻ ùa ra đường náo nhiệt. Nhiệt độ Luang Prabang hôm nay tăng vọt. Nóng cũng không ngăn được mọi người tiếp tục đổ ra đường. Mọi người ùa vào các vòng múa Lâm Vông. Đúng hay sai cũng kệ , cứ vòng vèo hai tay quanh các cô gái má ửng hồng, đôi tay uốn lượn che kín bầu ngực, là cảm thấy hưng phấn lắm rồi. Say sưa quá, đến lúc đi về rồi vẫn có người nắm tay lưu luyến mãi không buông. (Ông chủ của nhà máy bia Heineken ở Luang đó. Sản xuất thêm một loại bia mới tên là Nam Kong, có nghĩa là sông Mê Kong).
Ngày thứ hai của năm mới có lễ hội rước Hoa Hậu Đường Phố rất thú vị. Sau và trước xe nàng hoa hậu là màn biểu diễn của các sắc tộc thiểu số Lào. Đa dạng màu sắc như Lễ Hội Cà Phê quê mình.
Rước Hoa hậu đường phố ở Luang Pra Bang.
Lang thang vào các ngõ nhỏ thế nào bạn cũng được gia đình người bản xứ mời vào tham gia cùng vui với họ. Thân thiện, hoà nhã và vô cùng hiếu khách.
Một bữa trưa bên bờ sông với các món ăn địa phương ngon miệng khó thể quên.
Bản Đôn Daklak – Tháng 04/2023
Tháng 04/2023, tôi tìm lại được không khí lễ hội té nước Bunpimay tại ngay chính quê hương mình.
Cuộc “thiên di” của người Lào đến Tây Nguyên
Có rất nhiều dấu ấn của người Lào ở huyện Buôn Đôn.
Từ nhiều thế kỉ trước, người Lào và người Cao Miên thường đi thuyền ngược dòng sông Srêpôk để trao đổi, buôn bán hàng hóa với người dân huyện Buôn Đôn ( Gọi là Bản Đôn theo tiếng Lào) Trong quá trình xuôi theo dòng sông Srêpôk qua lại trong lưu vực sông Mê Kông để giao thương đã có một nhóm cư dân Lào chọn ở lại trên vùng đất mới, mang theo những nét văn hóa và tín ngưỡng Phật giáo đến miền đất này. Nơi các chủ nhân trước đây là người Êđê, M’Nông có tín ngưỡng đa thần và văn minh nương rẫy.
Vào những thập niên cuối của thế kỷ thứ 19, có một người đàn ông người Lào tên là Luông Sỹ đã từ miền Nam nước Lào đến đây buôn bán và định cư ở đây, theo chân ông có rất nhiều người Lào đã từ Pắc Xế, xuôi dòng sông Mê Kông đến đây định cư lập nghiệp. Ông Luông Sĩ đã thành lập nên Buôn Yang Lành và là chủ làng đầu tiên. Một thời gian sau có một tu sĩ người Lào đến đây truyền đạo, ông đã lập một am nhỏ do bà con buôn Yang Lành đóng góp công sức dựng lên, dân trong buôn lui tới hương khói, cầu nguyện, trong am thờ rất nhiều tượng Phật. Gọi là Thảo Am (Dấu tích của Thảo Am giờ đã không còn). Hằng năm nhà sư thường trở về Lào vài tháng rồi trở lại; Trong một dịp từ Lào sang, ông có mang theo một cây bồ đề và trồng tại đây. Vào những năm 60 thế kỷ trước, am bị hư đổ, một số tượng Phật bị mất cắp, một tượng được ông Nay Ly Lào là một người dân trong buôn đặt thờ ở hốc cây Bồ Đề. Cây Bồ Đề trăm tuổi đã thành Cây Di Sản mang dấu ấn những người cư dân Lào đầu tiên.
Dấu tích thác Phật (Peo Phă): Thác Phật cách Trụ sở Ban quản lý Vườn Quốc gia Yok Đôn khoảng 8 km về phía Tây. Thác Phật được hình thành từ một nhánh của dòng sông Srêpôk, các nhà Sư người Lào thường ngược dòng sông Srêpôk qua lại khu vực này để truyền Đạo. Khi đến đây vào mùa mưa nước lớn, gặp ghềnh thác nước chảy xiếc, thuyền khó đi qua được, họ dừng chân lại nghỉ, làm lán trại bên bờ sông cạnh thác nước trong một thời gian để làm bè vượt thác. Các nhà Sư trong lúc chờ đợi thường ngồi tham thiền, tụng niệm và tiếp xúc với một số cư dân người Lào trong vùng.
Cộng đồng người Việt gốc Lào tại huyện Buôn Đôn hiện có khoảng 100 hộ dân với hơn 300 người (2023), sinh sống tập trung tại buôn Trí, xã Krông Na. Trải qua hàng trăm năm định cư, người dân vẫn lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống trong sinh hoạt tín ngưỡng, ẩm thực và trang phục. Với sự cộng cư đan xen của nhiều dân tộc như Êđê, M’Nông, Kinh đã tạo nên một vùng dân cư đa văn hóa rất đặc sắc, là điểm nhấn về du lịch tại địa phương.
Sắc màu Bunpimay.
Lễ hội Bunpimay – Vui tết Lào tại Trung tâm Du lịch Cầu treo Buôn Đôn và Buôn Trí – Xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, vô cùng thú vị với những trải nghiệm đầy cảm xúc.
Đây không chỉ là lễ hội của một cộng đồng cư dân nhỏ mà còn là một sự kiện văn hóa của toàn khu vực Làng Đảo – Buôn Đôn, đồng thời là một điểm nhấn Du lịch mới của tỉnh Đắk Lắk và Tây Nguyên.
Trong suốt 3 ngày từ 14.04 đến ngày 16.04.2023, lễ hội đã diễn ra nhiều hoạt động sôi nổi, thu hút đông đảo du khách tham gia. Các hoạt động như Ngày hội của voi, Buffet voi, và các nghi lễ truyền thống như dâng quà cho sư, tắm phật, thả hoa đăng, đắp cát, cột chỉ tay, và té nước may mắn… đã làm cho không khí trở nên phấn khích và rộn ràng. Ngoài ra, chương trình Nét đẹp Làng đảo với các cuộc thi Tài năng nhí, Người đẹp hoa Chăm Pa, show diễn Hội tụ Buôn Đôn, và cuộc thi Ẩm thực Làng Đảo, đã mang lại những trải nghiệm thú vị và niềm vui cho tất cả mọi người.
Rất đông du khách đã cảm thấy hạnh phúc khi được mặc bộ trang phục người Lào và hoà mình vào không khí năm mới như một thành viên của cộng đồng bản địa. Mỗi trải nghiệm, từ việc khoác lên mình trang phục Lào, đến việc tham gia vào các hoạt động vui nhộn như nhảy múa, buộc chỉ cổ tay, hay té nước vào nhau ướt từ đầu đến chân, đều là những kỷ niệm đáng nhớ và đầy ý nghĩa.
Tết Bunpimay hàng năm tại Buôn Đôn – Làng Đảo là thế. Những kỷ niệm độc đáo không chỉ làm say đắm bà con trong làng mà còn làm phong phú thêm nét văn hóa đặc trưng của khu vực. Sự kiện này không chỉ đơn thuần là một dịp vui chơi mà còn là cơ hội để làm giàu thêm trải nghiệm du lịch tại Buôn Đôn, thu hút sự quan tâm của du khách cả trong và ngoài nước.
Mọi nỗ lực đã và đang được đền đáp, như những sợi dây tinh thần nối vòng tròn cộng đồng, mang trong đó màu sắc tâm linh độc đáo. Niềm đam mê với văn hoá bản địa và sự đồng cảm đã làm xao xuyến trái tim của các du khách. Cách người dân gìn giữ bản sắc văn hoá không chỉ là một hành động, mà còn là một biểu hiện của tình yêu và tôn trọng đối với di sản văn hóa quý báu của chính mình.
BMT Tháng 04/2024
Ami Giang Niê Kdam
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0