Bắc Nam thống nhất, Văn nghệ giải phóng sáp nhập Văn nghệ
Ngày đăng: 24/07/2023 15:05
- Lượt xem: 358
- Thích
Ngày đăng: 24/07/2023 15:05
Kỷ niệm 75 năm thành lập Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam (25/7/1948 - 25/7/2023), trang Thông tin Điện tử Hội VHNT Đắk Lắk đăng tải một số bài viết liên quan đến sự hình thành, phát triển Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam đã được đăng tải trên Baovannghe.com.vn. Mời quý vị độc giả cùng đón đọc!
“VĂN NGHỆ”, NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG
Những năm 1970 chứng kiến nhiều biến động lớn của lịch sử đất nước. Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (ký ngày 27/1/1973) đã dẫn đến việc rút hoàn toàn quân Mỹ ra khỏi miền Nam.
Chiến dịch Hồ Chí Minh (tháng 3-4/1975) đưa tới “đại thắng mùa xuân”, đã khiến chế độ Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ (30/4/1975). Quyền kiểm soát miền Nam Việt Nam thuộc về chính quyền lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Cuộc tổng tuyển cử toàn quốc (25/4/1976) đã tuyên bố thống nhất hai miền Nam Bắc, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thống nhất với Cộng hòa miền Nam Việt Nam thành nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Trong thời kỳ kháng chiến, Hội văn nghệ giải phóng miền Nam Việt Nam có tờ báo Văn nghệ giải phóng, ấn hành ở vùng căn cứ Tây Ninh; số 1 đề ngày 15/1/1961, in ronéo, 28 trang 22x16cm, phát hành 100 bản1. Về sau báo được in tại nhà in Trần Phú của trung ương cục. Theo hồi ức của những người trong cuộc, tính đến ngày giải phóng, đã có khoảng 100 số Văn nghệ giải phóng được in và phát hành.
Những văn nghệ sĩ chủ trì biên tập và xuất bản báo Văn nghệ giải phóng là Lý Văn Sâm, Trần Hiếu Minh (Nguyễn Văn Bổng), Anh Đức, Giang Nam, Bùi Kinh Lăng, Hoài Vũ.
Những năm làm báo trong chiến tranh, đã có những cán bộ, nhân viên của báo Văn nghệ giải phóng hy sinh vì bom đạn địch, như Trần Hữu Trang (1906-1966), chủ nhiệm đầu tiên của báo; Lê Anh Xuân (1940-1968), nhà thơ kiêm biên tập viên; Phan Thế Hy, biên tập viên kiêm sửa in, v.v…
Tờ báo Văn nghệ sau khi về trở thành cơ quan của Hội Nhà văn Việt Nam.
Ngay sau ngày 30/4/1975, lực lượng văn nghệ giải phóng đã có mặt tại Sài Gòn. Cuối tháng 5/1975, tờ Văn nghệ giải phóng của Hội Văn nghệ giải phóng miền Nam Việt Nam lần đầu tiên xuất bản tại Sài Gòn trong thể tài tuần báo, trụ sở tòa soạn 190 Công Lý; mỗi số 16 trang khổ A3. Theo manchette báo thì đây là năm thứ 15 của báo; số báo Văn nghệ giải phóng đầu tiên tại Sài Gòn được đánh số 49 (28/5/1975); tổng biên tập là nhà thơ Hoài Vũ.
Văn nghệ giải phóng đã giới thiệu với công chúng những sáng tác thơ, truyện, ký, lý luận phê bình của văn nghệ kháng chiến Việt Nam, cập nhật các hoạt động văn nghệ diễn ra tại Sài Gòn (từ 2/7/1976 đổi là Tp. Hồ Chí Minh) và trong cả nước, cũng như đời sống văn nghệ các nơi trên thế giới.
Văn nghệ giải phóng thời gian này đã ghi nhớ những sự kiện của giới văn nghệ như cuộc gặp gỡ đầu tiên tại Sài Gòn giữa các văn nghệ sĩ giải phóng với đoàn văn nghệ sĩ miền Bắc (9/5/1975 tại trụ sở 190 Công Lý), “Hội nghị các nhà văn giải phóng” lần thứ nhất (17/6/1975) để chuẩn bị đại hội các nhà văn giải phóng, có tới 500 người tham dự, trong đó ngoài các “nhà văn giải phóng” từ chiến khu trở về, còn có những người trong giới nghệ thuật ở thành thị miền Nam như Trần Tuấn Khải, Mặc Khải, Vũ Hạnh, Nguyễn Trọng Văn, Sơn Nam, Lưu Nghi, Võ Đình Cường, Hoàng Trọng Miên, Thẩm Thệ Hà, Nguyễn Bảo Hóa, Vĩnh Điền, Thu An, Hàn Song Thanh, Lý Chánh Trung, Nguyễn Ngọc Lan, Bình Nguyên Lộc, Ái Lan, Phương Đài, Hợp Phố, Hà Huy Hà, v.v… rồi Hội nghị lần II Hội văn nghệ giải phóng thành phố Hồ Chí Minh (14-15/10/1975).
Từ 5/7/1976, tòa soạn Văn nghệ giải phóng chuyển về số 117 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận Phú Nhuận, Tp. Hồ Chí Minh.
Về sáng tác văn thơ, báo không chỉ đăng bài của các cây bút trong “văn nghệ giải phóng”, các tác giả tập kết trở về, các tác giả từ miền Bắc gửi vô, mà còn đăng tải và giới thiệu tác phẩm của những cây bút từng sinh trưởng trong vùng các đô thị miền Nam, có người đã từng đăng tác phẩm trên sách báo văn nghệ tại đây; đó là những cây bút như Nguyễn Nhật Ánh, Trần Xuân An, Bùi Chí Vinh, Lệ Thu, v.v…
Tính đến hết tháng 1/1977, tuần báo Văn nghệ giải phóng đã xuất bản tại Sài Gòn – Tp. Hồ Chí Minh 86 số báo (từ 49 đến 135)2.
Việc thống nhất đất nước về mặt nhà nước cũng yêu cầu thống nhất các tổ chức đoàn thể, kể cả đoàn thể văn nghệ.
Sau các lần họp trù bị, ngày 18/1/1977 tại Hà Nội, Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, gồm Chủ tịch Đặng Thai Mai, các Phó chủ tịch Nguyễn Đình Thi (kiêm Tổng thư ký), Thế Lữ, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Xuân Khoát, các phó tổng thư ký: Bảo Định Giang, Huỳnh Văn Thuận, Nông Quốc Chấn, Đỗ Nhuận; đã họp với Ban lãnh đạo Hội Văn nghệ giải phóng, gồm Chủ tịch Lưu Hữu Phước, Tổng thư ký Lý Văn Sâm, các Phó tổng thư ký Giang Nam, Bùi Kinh Lăng, các ủy viên thường vụ Nguyên Ngọc, Thanh Hải; cùng các ủy viên chấp hành của 2 hội. Tham dự hội nghị còn có các phó trưởng ban tuyên huấn Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Trần Độ, Hà Huy Giáp, các thứ trưởng bộ văn hóa Hà Xuân Trường, Cù Huy Cận, Viện trưởng viện văn học Hoàng Trung Thông. Hội nghị đã quyết định chính thức hợp nhất hai hội, lấy tên chung là Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam, do Đặng Thai Mai làm Chủ tịch.
Cũng từ ngày 18/1/1977, tuần báo Văn nghệ (của Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam) và tuần báo Văn nghệ giải phóng (của Hội Văn nghệ giải phóng) đã hợp nhất thành tuần báo Văn nghệ, cơ quan của Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam, phát hành ngày thứ bảy hàng tuần, tòa soạn đặt tại 17 Trần Quốc Toản, Hà Nội. Cơ quan thường trú tuần báo Văn nghệ ở các tỉnh phía Nam đặt tại 117 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Tp. Hồ Chí Minh; từ số báo tết Đinh Tỵ 1977, Văn nghệ được phát hành ở các tỉnh phía Nam.
Đầu năm 1978, tại Tp. Hồ Chí Minh, Hội Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh xuất bản tuần báo Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh, tòa soạn tại 81 Nguyễn Văn Trỗi, Tp. Hồ Chí Minh; số kép 1+2 chính là số tết Mậu Ngọ, ra ngày 27/1/1978.
Về tuần báo Văn nghệ của Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam, sang đầu những năm 1980, khi các hội nghệ thuật chuyên ngành (Sân khấu, Mỹ thuật, Điện ảnh, v.v.) đều đã phát triển lớn mạnh, ra các tờ báo hoặc tạp chí riêng, Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam đã quyết định chuyển tờ tuần báo Văn nghệ thành cơ quan của Hội Nhà văn Việt Nam. Tuy vậy, báo Văn nghệ vẫn ít nhiều giữ cơ cấu đã quen với bạn đọc: ngoài các trang đăng tác phẩm, dư luận và tin tức văn học, báo vẫn dành một số trang phản ánh hoạt động của các ngành nghệ thuật.
_______
1. Theo: Trần Quang: “Báo Văn nghệ giải phóng”, trong cuốn Nửa thế kỷ báo Văn Nghệ, 1948-1998, Nxb. Hội nhà văn, 1998, tr. 139-140; Lý Văn Sâm: “Văn nghệ giải phóng số đầu tiên”, sđd., tr. 143-147
2. Theo: Anh Đức: “Những ngày làm báo Văn nghệ giải phóng”, sđd, tr.149-153
Lại Nguyên Ân
Nguồn Văn nghệ số 13/2023
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0