Trổ lên ngút ngàn từ những long đong - Giới thiệu Tập thơ "Chín nhánh da vàng" của Nhà thơ trẻ Trần Đức Tín - Khét
Ngày đăng: 29/09/2022 09:26
- Lượt xem: 1218
- Thích
Ngày đăng: 29/09/2022 09:26
Tôi nhớ mình gặp Trần Đức Tín - Khét vào khoảng thời gian đầu chàng trai trẻ này lên TP. Hồ Chí Minh lập nghiệp. Bữa đó nơi quán cóc liêu xiêu gió, Khét đầy day dứt với đời và thơ. Từ bỏ công việc yêu thích là một ông thầy giáo, bôn ba lên mảnh đất hoa lệ này, Khét lật bàn tay mình thấy nhàu nhĩ những vết chai sần. Hỏi Khét nếu được lựa chọn lại thì liệu thằng con trai Cà Mau quen với phấn trắng bảng đen, quen với sơ mi quần tây đóng thùng và những bài giảng có điều chi tiếc nuối. Khét vẫn cười bảng lảng, cứ đi rồi đường tự mở. Cây đước, cây mắm, điệu vọng cổ và tiếng song lang vẫn in hằn vào Khét dẫu thị thành lắm nỗi lao xao. Khét là vậy, hồn quê, bản xứ như in đậm vào tâm khảm của Khét qua cái tính cách hết mình với bạn văn, qua giọng nói rặt miền phù sa chín nhánh, qua cách sống cởi mở và có phần bất chấp của tuổi trẻ. Thơ Khét vì thế cũng mang mang những nỗi niềm.
Từ tập thơ đầu tay “Rồi mình cũng xa lạ nhau” (NXB. Hội Nhà văn - 2018) cho đến “Mình mắc cạn vào nhau” (NXB. Hội Nhà văn - 2019), rồi “Ở đậu trong nhau” (NXB. Hội Nhà văn - 2020), và bây giờ, tập thơ mới in đầu tháng 8 năm 2022 mang tên “Chín nhánh da vàng” (NXB. Hội Nhà văn), độc giả và giới viết thấy một con đường riêng biệt mang tên Khét. Thơ Khét chín dần như loài hoa trái được vun bồi từ màu mỡ châu thổ Cửu Long. Giọng thơ đã bắt đầu đầm và đẫm hơn. Cái thao thiết và đắng đót trổ ra từ phận mình long đong khiến thơ Khét cắm sâu và cứa lòng độc giả. Những câu thơ như phơi tấc lòng của mình: “tôi nhớ tôi/ ngày tháng rong chơi/ ruộng đồng nứt nẻ/ đầu trần chân đất/ con diều giấy nở nụ cười/ những trưa hè sũng ướt cá lia thia/ mỗi cọng rơm là một tia nắng mặt trời/ chiều nghẹt thở bên biển mặn/ như muỗi vao vây đống vỏ dừa đốt vội/ man mác khói bay/ sao mà cay/ sao mà mặn nồng/ tôi với Cà Mau cùng nhịp thở long đong.” - Trích Tôi với Cà Mau cùng nhịp thở long đong.
Vẫn là sở trường quen thuộc của mình, những câu thơ tự do trĩu nặng cảm xúc của Khét dẫn dắt độc giả đi qua vùng ký ức đuộm màu thương tưởng. Ký ức chính là mớ hành trang theo anh chàng nhà thơ trẻ này linh đinh đời xa xứ. Từ đó những ngút ngàn câu chữ như hóa thành dòng thơ tự khắc chảy tràn. Trang giấy chỉ là một phương tiện giúp thơ Khét đến bạn đọc. Nhưng, để những dòng thơ có sức sống bền bỉ thì ắt hẳn phải lưu lại trong lòng độc giả những cảm xúc chạm đến tâm hồn. Thơ Khét vừa hay đủ đầy cái yếu tố cơ bản nhưng cực kỳ quan trọng này để bạn đọc chỉ cần năm ba dòng thơ đã bồi hồi tấc dạ theo anh.
Bìa Tập thơ "Chín nhánh da vàng" của Trần Đức Tín - Khét
Khét làm thơ thành tật. Cái tật như là nỗi yêu ghim gút tận trí óc của anh chàng. Thành thử ra, thơ Khét luôn mang màu thế sự, tình đời, và tình người nhưng rất dạt dào tâm ý, da diết niềm thương và hào sảng khí phách. Cái sởi lởi của anh chàng này đôi khi mang chút dấu ấn hài hước cà khịa ngay cả trong giao đãi cùng bạn bè. Cái tên Trần Đức Tín những ngày đầu mới viết gây ấn tượng với làng thơ phía Nam, nhưng bỗng một hôm làng Văn ngơ ngác hỏi nhau về cái bút danh Khét lạ lẫm, nhưng giọng thơ lại hao hao một tác giả trẻ. Tìm hiểu bắc cầu qua nhiều bạn thơ miền Tây mới ngộ ra anh chàng Trần Đức Tín lấy cái tên thường gọi của cậu con trai mình là Khét, đặt thành bút danh, như một sự ngạo đời cho vui. Cái vui đấy lại là cơ duyên dẫn đến sự chú ý từ làng Văn và bạn đọc. Thơ Khét bắt đầu bật lên chính là quãng thời gian anh lăn lộn với đất Sài Gòn. Một loại thơ tự do bay bổng, thoát khỏi những rào cản niêm luật, những vần điệu nhịp nhàng, những thanh âm dịu dàng. Một loại thơ chân phương đơn chữ nhưng đa nghĩa. Những câu chữ Khét dùng chẳng o ép, ghép gượng mà đầy thoáng đãng, giản dị gần gũi nhưng nảy nở lên cái ngút ngàn của cảm xúc: “cố quận mặc áo gì/ sinh ra tôi ở câu hò nửa đen nửa trắng/ mạ không còn non để mọc chân làng/ chín nhánh đêm đêm vỗ lên mái tóc/ đứa con rơi của đồng bằng/ ở đậu nhịp song lang...” - Trích Đừng mang tôi về cố quận. Sống thác cũng là chuyến đi về với đời mỗi con người. Nhưng, kỳ thực, lắm khi nghiệt ngã lá lai khiến cho người ta sống hay thác gì thì cũng chẳng thể về đất quê, xứ mình. Vì sao? Đôi khi tấc lòng chỉ biết gởi vào con chữ.
Tập thơ lần này tựa như những thanh âm réo rắt rồi chợt vỡ vụn giữa thinh không. Tiếng vọng cứ vậy mà vang rền lềnh lềnh mang mang trên tràng giang sóng nước, len lỏi vào kinh rạch vườn tược, quyện vào phấn thổ đồng bưng. Xứ chín nhánh châu thổ này phù sa là câu chữ, thơ là nguồn cội và ruộng đời chính là cố quận. Người ta qua đò, qua bắc, qua phà, qua luôn cây cầu Mỹ Thuận rồi bôn ba đời mình trên thị thành đô hội. Cố quận cứ vậy mà cơ hồ xa biệt. Trong những thảng thốt khi bất giác giữa chênh vênh của đất lạ, lòng người khi ấy lại đau đáu về xứ sở. Không có nỗi nhớ nào nặng nợ bằng nỗi nhớ quê hương nguồn cội: “mẹ tôi ngàn năm lúa nước/ cha tôi cào đời mình dưới biển/ ném hòn đất xuống nước/ sẽ nhập vào cội nguồn/ ném hòn tôi xuống đời/ trôi vô tăm tích/ bằng cách này hay cách khác/ hoa vẫn nở trong lòng đường/ bằng cách này hay cách khác/ tôi vẫn nở về quê hương.” - Trích “Ngồi xuống mà nghĩ”.
Khét không phải là một người cầu kỳ nhưng lại kỹ tính. Với văn chương ngoài là đam mê thì cũng có thể coi như chính là nguồn sống của chàng trai trẻ này. Đắm đuối. Tận hiến. Vắt cạn. Khét như dâng mình cho thơ. Đôi khi chỉ là một câu chữ nhưng chưa đã “nư” mình thì Khét vẫn sẵn sàng tìm người để bày tỏ sự bế tắc hay sự tìm tòi của mình, có khi hai ba tiếng trời, có khi đã là nửa đêm về sáng. Có một lần như thế, trong cơn chếnh choáng, Khét gọi tôi và nói về thơ. Chỉ có 04 chữ nhưng cuộc điện thoại khi cúp máy đã là gần ba tiếng đồng hồ, lúc ấy hơn hai giờ sáng. Khét say thơ hay say rượu tôi chẳng biết. Chỉ biết trong những cơn say đó, Khét thiệt thà khóc cười với đời mình, phận lữ thứ, và thơ nhọc nhằn. Chọn gá phần đời này với thơ, Khét như tìm thấy cho mình nguồn sống mới, tắm tưới lên hồn thơ những bứt thoát rất mãnh liệt, hơn hồi Khét còn dưới Cà Mau. Điều này thấy rõ rệt với tần số xuất hiện khắp mặt báo và các giải thưởng lớn mà chàng trai trẻ này đạt được. Khét cũng vinh dự được Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh trao giải thưởng Tác giả trẻ năm 2021 với tập thơ “Ở đậu trong nhau”.
Trong tập thơ phát hành lần này, “Chín nhánh da vàng” với 35 bài thơ chia làm hai phần. Phần đầu có đề mục “Chín nhánh khói bay” là những day dứt về bản xứ. Phần hai với đề mục “Giấc mơ da vàng” là những khắc khoải về cội nguồn. Tưởng chừng như rời rạc, nhưng lại hòa hợp quyện đan vào nhau tạo nên một khối cảm xúc đẫm đà mãnh liệt. Tập thơ thứ tư cho thấy con chữ của Khét đã thanh thoát bay lên. Giữa trĩu trịt vẫn tìm thấy nhẹ nhàng; giữa cằn cỗi vẫn nhận ra mỡ màu; giữa đơn độc vẫn hạnh ngộ trùng phùng; và giữa thế thái còn đó một ân tình để vịn vào đấy mà sống. Sống như người phương Nam vẫn thản nhiên hát ngạo khúc: “rạch trời xuống đất/ tay chống tay chèo/ đầu đội nón lá/ chân xỏ dép lào/ kéo điếu thuốc gò/ gác chân chữ ngũ/ quăng chài dính điệu xuống xề ới vọng kim lang...” - Trích “Phương Nam ngạo khúc”.
Con chữ cũng như phù sa chín nhánh Cửu Long chảy tràn và bồi bãi. Lòng người thể như bến tình. Vì tình mà đi, vì tình mà về. Cũng có khi vì tình mà mãi lênh đênh phận mình cô lữ ở đậu bốn phương tám hướng. Nhưng dù man di nơi nào, tộc người da vàng vẫn trổ lên ngút ngàn từ những long đong.
Tống Phước Bảo
Tạp chí Chư Yang Sin số 361 (9-2022)
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0