HƯỚNG TỚI NGÀY THƠ VIỆT NAM LẦN THỨ 22: Bản lĩnh Thơ ca
Ngày đăng: 23/02/2024 10:57
- Lượt xem: 329
- Thích
Ngày đăng: 23/02/2024 10:57
NGUYỄN VIỆT CHIẾN: Bản lĩnh thơ, cái phải được tôi rèn qua thử thách và thời gian
(Trích tham luận)
Về bản lĩnh và bản sắc thơ, tôi muốn nhắc đến một trường hợp đặc biệt: nhà thơ Phạm Tiến Duật. Bàn về giá trị của vần trong thơ ca, ông cho rằng: “Đã từ lâu rồi trên phạm vi toàn cầu, người ta chẳng coi vần là gì cả. Những câu định nghĩa theo kiểu “Thơ là một loại hình văn học sử dụng hình ảnh, vần điệu, nhịp điệu để biểu đạt một tư tưởng, tình cảm nào đó” xem ra quá lạc hậu rồi. Tuyển tập thơ tình Pháp thế kỉ XX có một bài rất ngắn, chẳng những không có vần mà hình ảnh cũng không: Cao hơn sự đói là sự rét/ Cao hơn sự rét là sự ốm/ Cao hơn sự ốm là sự chết/ Cao hơn sự chết là sự bị bỏ quên. Đa số người làm thơ không vần ngày một đông lên nhưng không vì thế mà thơ vần điệu ở ta và ở Tây nữa mất đi”.
“Vần là một hiện tượng ngôn ngữ kì diệu. Vần là quầng sáng chói lọi của tiếng nói và trong sự cuốn đi của dòng âm thanh, vần đọng lại nơi trí nhớ con người một cách mạnh mẽ. Về mặt ý nghĩa, vần không chỉ tham gia vào thơ như một yếu tố hình thức mà còn tham gia trực tiếp vào tôn vinh nội dung nữa. Vần tồn tại trong điệu và do vậy vần tạo nên nhạc. Có lẽ, đến một ngày nào đó, nhân loại tuyên bố sẽ tiêu diệt hoàn toàn câu thơ có vần thì người ngồi ngẩn ngơ buồn trước nhất là ông nhạc sĩ viết ca khúc. Có phải thế không?” - Phạm Tiến Duật đặt câu hỏi.
Sau khi tôi được trao giải Nhì cuộc thi thơ báo Văn nghệ 1989-1990, ông thân mật chia vui với tôi: “Bài thơ Mưa phố vào tranh của chú được chấm điểm rất cao, mấy đoạn thơ có chút màu sắc siêu thực như: Mưa bay chéo mặt tranh mờ xóa/ Cả vòm trời loang chảy màu sơn/ Những ngôi nhà như đang trượt ngã/ Gọi dìu nhau ở phía bên đường”. Tôi thú thật: “Dạ, lúc viết bài này, em không nghĩ tới thi pháp siêu thực đâu ạ!”. Phạm Tiến Duật cười, bảo: “Chú không nghĩ tới thì thơ mới thành siêu thực, còn nếu chú mà chủ ý thì nó thành siêu vẹo ngay! Vì Siêu thực tồn tại khách quan bên cạnh Hiện thực như cái Say tồn tại khách quan bên cạnh cái Tỉnh. Về bút pháp Siêu thực thì thời nào cũng có, câu ca dao Gió đưa cây cải lên trời/ Rau răm ở lại chịu lời đắng cay là câu có màu sắc Siêu thực đấy! Phải truy tìm cái mới. Thơ gì cũng được, thơ siêu đẳng, thơ siêu việt, thơ siêu thực… cốt đừng thành thơ siêu vẹo là được”.
Bàn tiếp về tính siêu thực trong thơ, Phạm Tiến Duật phân tích hóm hỉnh: “Thơ của nhóm Xuân thu nhã tập thường được bảo rằng đó là thơ siêu thực nhưng lại rất ít chất siêu thực. Câu Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà là câu chuyện kể hết mùa ổi đến mùa táo, có gì mà siêu thực. Câu Nhài đàn rót nguyệt vú đôi thơm là câu văn tả thực, đẹp, nõn. Thế thôi. Tuy không phải siêu thực mà nó cũng không sa vào siêu vẹo. Cứ như Chế Lan Viên lại là người có nhiều câu siêu thực kì lạ. Mười sáu tuổi ông đã viết Ý của ai trú ẩn ở đầu ta và câu này ở chặng đường sau: Anh nhớ em như đông về nhớ rét. Không thể sâu sắc hơn được mà cũng không thể giản dị hơn được”.
Trao đổi về công cuộc đổi mới thơ ngày hôm nay khi không ít nhà thơ đã cho ra đời một số công trình có tính thử nghiệm nhưng chưa đạt hiệu quả, nhà thơ Phạm Tiến Duật thận trọng khi cho rằng: “Nếu suy ngẫm kĩ, thấy đòi hỏi thơ cần “lột xác” nhanh chóng là đòi hỏi quá đáng. Chỉ vì một lẽ giản dị: văn học là bộ phận trừu tượng nhất trong tất cả các bộ môn văn nghệ. Hội họa còn là vật chất của hình học và hạt proton của ánh sáng. Âm nhạc còn là vật chất của các bước sóng âm thanh. Tiếng nói và chữ viết là đỉnh cao của khả năng trừu tượng. Vậy nên các nhà thơ cần đổi mới nhưng đừng quá nôn nóng kẻo tự làm hỏng sản phẩm tinh túy của chính mình”.
ĐẶNG HUY GIANG: Một thử thách bản lĩnh người cầm bút hôm nay
(Trích tham luận)
Có một thời, không ít nhà thơ bỏ sở trường, chạy theo sở đoản. Vốn viết thơ tình rất hay, nhưng lại xoay ra viết thơ sản xuất, chiến đấu... cho hợp thời. Rồi thơ sản xuất, chiến đấu... cũng chẳng đâu vào đâu và trở nên bất cập. Ấy là sự xa rời mình nên không thể trở thành mình. Ấy là sự tự đánh mất mình và đương nhiên trở thành người viết không có bản lĩnh. Có người làm thơ viết về nông dân thì giống nông dân, viết về công nhân thì giống công nhân, viết về cán bộ thì giống cán bộ…, không thể hiện được cá tính sáng tạo của mình, cái riêng của mình. Cũng có nhà thơ cả đời chạy theo đề tài, coi đề tài là mục đích viết, cứ như là tin rằng đề tài sẽ làm nên tên tuổi của mình. Nên nhớ, đề tài không phải là tất cả, đôi khi chỉ là cái cớ để viết. Bài thơ lớn hay nhỏ không hoàn toàn phụ thuộc vào đề tài. Có khi viết về một hạt cát, một ngọn cỏ lại hay hơn, có lý hơn viết về một đại dương, một khu rừng. Nói như cách nói của những người cầm bút lớp trước thì đó là hiện tượng: “Như sắn, như khoai, không sợ sai, không sợ kiểm điểm”.
Có một thời, thơ đăng báo rất khó. Cả nước chỉ có báo Văn nghệ, tạp chí Văn nghệ Quân đội, tạp chí Tác phẩm mới đăng thơ. Còn những tờ báo không chuyên về văn nghệ, mỗi tuần (thường vào chủ nhật) mới đăng một bài thơ. Vì thế, để đăng một chùm thơ từ hai bài trở lên trên các báo, tạp chí kể trên là rất khó. Và số người được in cả chùm thơ cũng không nhiều. Người nào được giới thiệu một chùm thơ năm bảy bài một lúc đã được coi là nổi tiếng. Tất nhiên là đặt trong điều kiện văn chương còn thiêng liêng, còn có vị thế, còn được nhiều người yêu thích, còn có nhiều độc giả. Chứ không như hiện nay, đến người viết còn không đọc của nhau, không quan tâm đến tác phẩm của nhau. Đây là một dấu hiệu đáng báo động.
Ở mảng xuất bản một thời cũng vậy. Mỗi năm mỗi nhà xuất bản có dính dấp đến văn chương thường chỉ ra được trên dưới 20 đầu sách. Cho nên, một tác giả được in riêng một tác phẩm cũng không dễ, thường phải in ghép hoặc in chung với một hoặc vài người khác. Đối với người trẻ làm thơ hồi ấy, được in một hai bài thơ trong các tập thơ mang tên Sức mới, Hoa trăm miền... đã là vinh dự và may mắn lắm rồi.
Những cái khó ấy cũng làm cho các tác giả phải không ngừng trui rèn bản lĩnh.
Ngày nay, việc đăng thơ quá dễ. Ai cũng có thể đăng thơ chùm trên các báo, tạp chí. Ai cũng có thể xuất bản sách. Sinh thời, nhà thơ Quang Huy từng nói: “Có một cái đáng chống nhất thì lại không chống. Đó là chống chất lượng nghệ thuật yếu kém”. Còn việc tự xuất bản thơ qua Facebook thì dễ dàng và tự do hơn nhiều. Nhà nhà, người người cứ việc làm thơ, công bố thơ.
Việc công bố thơ dễ dàng như thế cũng là một thử thách về mặt bản lĩnh đối với người viết, nhất là đối với những người không có tài, lại có phần ngộ nhận mình. Và trong trường hợp này, sự tự tin, sự tự làm chủ mình trở nên thái quá, trở nên phản tác dụng một cách nhãn tiền. Nên nhớ, bản lĩnh của người viết chỉ thực sự được tôn cao nếu như người viết thực sự có tài.
Nêu thế để thấy, trong cái khó luôn có cái khó của nó (đã đành) nhưng trong cái dễ cũng có cái khó của nó. Có khi cái dễ còn tạo ra thách thức hơn cái khó.
NGUYỄN KIẾN THỌ: Thơ dân tộc thiểu số trước mối lo ngại “mất dần bản sắc”
(Trích tham luận)
Giai đoạn trước năm 1975 là giai đoạn thơ dân tộc thiểu số phát triển trên diện rộng, âm hưởng chủ yếu là ngợi ca. Khoảng mười năm cuối của thế kỷ trước và những năm đầu của thế kỷ này, xu hướng phân hóa ngày càng trở nên rõ rệt. Thơ dân tộc thiểu số dần đi vào chiều sâu với sự xuất hiện một số tác giả ít nhiều gây được sự chú ý của dư luận và định hình được những phong cách, cá tính trong sáng tác. Nhiều nhà thơ dân tộc thiểu số đã định vị được tên tuổi của mình trong sự mến mộ của người đọc, tiêu biểu là các tác giả như Y Phương (dân tộc Tày), Lò Ngân Sủn (dân tộc Giáy), Mã A Lềnh (dân tộc Mông), Triệu Kim Văn (dân tộc Dao), Lò Cao Nhum (dân tộc Thái), Inrasara (dân tộc Chăm), Pờ Sảo Mìn (dân tộc Pa Dí)...
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, những đóng góp của thơ dân tộc thiểu số trong nền thơ Việt Nam đương đại, còn có những cảnh báo, những quan ngại được dấy lên về vấn đề: thơ dân tộc thiểu số đang đứng trước nguy cơ “mất dần bản sắc”, cũng có nghĩa là đang trên một hành trình tự huỷ diệt. Vậy, thực chất của vấn đề này là gì? Có lẽ, trước tiên, theo chúng tôi, phải xem xét lại những dấu hiệu, biểu hiện của hội chứng mất bản sắc dân tộc. Có thể điểm danh ra đây một số nguy cơ hàng đầu, được nhiều người nhắc tới:
Một là, đội ngũ các nhà thơ dân tộc thiểu số dường như không còn nhiều người thông thạo tiếng mẹ đẻ, càng ít người sáng tác được bằng song ngữ. Hai là, chất dân tộc miền núi như một thứ giấy thông hành của nhà thơ dân tộc thiểu số đang ngày càng mờ đi, có xu hướng hòa vào văn hóa người Việt (Kinh). Ba là, những nét bản sắc văn hóa của các tộc người thiểu số như phong tục tập quán, đời sống tinh thần, tâm linh… ngày càng nhạt đi trong sáng tác của các tác giả dân tộc thiểu số. Rồi còn nhiều biểu hiện khác nữa, để kết luận: thơ các dân tộc thiểu số đang bị pha tạp, bị mất dần bản sắc.
Như thế, không phải chỉ riêng về thơ, nói rộng ra, văn học/ văn hóa các dân tộc thiểu số cũng đang đứng trước nguy cơ bị mai một, bị đồng hoá, bị mất đi bản sắc.
Chúng ta đáng lo về điều gì cho thơ dân tộc thiểu số trong thời kì hội nhập? Liệu có phải trong tương lai, thơ dân tộc thiểu số không còn bản sắc? Sẽ là như vậy nếu chúng ta cứ nhìn văn hóa như nhìn những hiện vật ở bảo tàng. Cũng vì thế mà không giải được bài toán về mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển, giữa giữ gìn và phát huy. Phát triển luôn gắn liền với sự vận động. Bản thân văn hoá cũng bao hàm ý nghĩa vận động. Mỗi chúng ta trong hành trình cuộc đời từ thời thơ ấu đến khi về già có sự thay đổi rất lớn từ gương mặt đến vóc dáng cơ thể. Nhưng cái bản tính/ căn cốt của mỗi người thì vẫn được bảo lưu. […]
Vấn đề cốt yếu nhất, theo tôi, không phải là mối lo thơ dân tộc thiểu số đang mất đi bản sắc văn hóa trong sáng tác của mình, mà là vấn đề, các nhà thơ dân tộc thiểu số sẽ mất đi bản lĩnh, một thứ bản lĩnh có thể giúp cho mỗi nhà thơ dân tộc thiểu số có được bản sắc riêng của mình; bản lĩnh để họ có thể đủ tự tin theo đuổi đến cùng những đam mê, kiên trì đến cùng trên con đường mình đã chọn, trong hành trình tự bộc lộ mình và luôn biết làm mới mình. Cái mà mỗi nhà thơ dân tộc thiểu số cần là cá tính sáng tạo, là tâm thức của nhà thơ trước những vấn đề của xã hội, của cuộc sống, chứ không phải là lối viết “giăng màn quá khứ” để bảo lưu cái gọi là bản sắc văn hóa của dân tộc mình.
Hội nhập văn hóa cần đến sự thay đổi, thay đổi từ trong tư duy đến tập quán. Thay đổi để hội nhập là điều tất yếu. Vậy thì, sẽ đến một ngày, những tác giả dân tộc thiểu số sẽ không viết thơ bằng tiếng mẹ đẻ của mình, cho dù họ vẫn viết về quê hương - một quê hương không còn nhìn thấy những biểu hiện văn hoá truyền thống. Liệu đó có phải là điều đáng sợ, điều tồi tệ nhất trên đời? Tôi lại nghĩ, trong một chừng mực nào đó, đấy là điều đáng mừng. Bởi những nhà thơ dân tộc thiểu số đã biết không ngừng vươn xa hơn trên hành trình sáng tạo. Điều quan trọng là họ đủ khả năng để hòa tan tâm hồn mình vào dòng chảy chung của văn hóa nhân loại hay không. Khi sáng tác đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật, tác phẩm trở thành bất tử thì bản sắc văn hóa sẽ được hồi sinh. Hãy cứ yên tâm một điều, nước biển bốc hơi đi sẽ còn lại vị muối, còn nước suối, dẫu có bốc hơi cạn cả dòng cũng chẳng để lại giọt muối nào.
THU HUYỀN: Phát huy và làm giàu bản sắc dân tộc trong văn học
(Trích tham luận)
Hiện nay, số lượng hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam là hơn 1.000 người thuộc các dân tộc, các chuyên ngành. Theo thống kê chưa đầy đủ của người viết, tuy chỉ có hơn 70 tác giả người dân tộc thiểu số (cả đã mất và còn sống) là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam nhưng những thành tựu và giải thưởng cho đến nay cũng rất đáng kể. Trong đó có những giải thưởng danh giá, uy tín như Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, Giải thưởng ASEAN, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam… Dù vậy, con số 70 kia cũng gợi nhiều điều, trong đó có băn khoăn về việc phát huy “dòng chảy” nhiều giá trị, về sự lớn mạnh cần thiết của đội ngũ tác giả dân tộc thiểu số. […]
Chúng tôi cho rằng, yếu tố độc đáo của mỗi dân tộc là điều kiện cần để gìn giữ; thêm vào đó, sự tự chủ, tinh thần phát huy truyền thống từ cái nhìn cởi mở là điều kiện đủ để trở thành động lực phát triển trong giai đoạn hiện tại và tiếp theo. Theo GS Trần Đình Hượu, “đặc sắc dân tộc của văn hóa làm cho mỗi dân tộc hiện ra với những nét độc đáo, phân biệt với các dân tộc khác”, và càng về sau, “sự giao lưu văn hóa giữa các dân tộc càng thường xuyên, càng nhiều mặt”. Về vấn đề tính độc đáo của văn hóa dân tộc, sinh thời, nhà thơ Nông Quốc Chấn là người luôn có những chú ý đặc biệt bởi đó là vấn đề cốt yếu của nền văn học khu vực này. Từ những bài viết giai đoạn đầu như “Bản sắc dân tộc trong thơ” và “Trả lời bạn thơ Mường” trong tập Đường ta đi (1970), đến sau này khi ông hướng sự quan tâm đến trách nhiệm của người cầm bút trước thời cuộc: “Độc lập hòa bình và trách nhiệm của nhà văn” trong tập tiểu luận Chặng đường mới (1985)… đều nhất quán quan điểm ấy. Nhà nghiên cứu Lâm Tiến khi bàn đến các vấn đề đặt ra cho văn học các dân tộc thiểu số cũng luôn nhấn mạnh yếu tố độc đáo của nghệ thuật dân tộc phải do chính những nghệ sĩ của dân tộc tạo ra. Từ năm 2016 đến nay, Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị tác phẩm văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam” (thực hiện xong giai đoạn 1) đã tổng kiểm kê những thành tựu của văn hóa, văn học dân tộc thiểu số từ truyền thống đến hiện đại, góp phần để định dạng, bảo tồn bản sắc văn hóa, ngôn ngữ, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào thiểu số.
Trong sự phát triển đó, văn học các dân tộc thiểu số không thể không tiếp nhận những giá trị mới, những giá trị của văn học Kinh, văn học phương Tây và văn học thế giới hiện đại. Đó cũng là hình thức tích cực bảo vệ bản sắc dân tộc của nhà văn, góp phần phát huy và làm giàu bản sắc dân tộc trong văn học.
Văn nghệ
Nguồn Văn nghệ số 8/2024
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0